Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Tìm hiểu chế định Quản tài viên theo Luật Phá sản 2014


Tìm hiểu chế định Quản tài viên theo Luật Phá sản 2014
(Luật Phá sản 2014: Quản tài viên – Anh là ai?)
Nguyễn Danh Công và Phan Thị Hằng
(Công ty luật Phuoc & Partners)
Luật Phá sản 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 được xem là sự “cởi trói” về mặt thủ tục cho việc phá sản doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, liệu Luật Phá sản 2014 đã thực sự tránh được “vết xe đổ” của Luật Phá sản 2004, hay vẫn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn với những thủ tục, chế định lắm nhiêu khê…
Một trong những thay đổi cốt lõi của Luật Phá sản 2014 là chế định Quản tài viên trong thủ tục quản lý, thanh lý tài sản. Mặc dù Luật Phá sản 2014 đã có hiệu lực gần nửa năm nay nhưng trên thực tế, việc thi hành Luật Phá sản 2014 vẫn còn đang là một vấn đề khá nan giải ngay cả đối với Tòa án thụ lý vụ việc vì chưa tìm đâu ra Quản tài viên để phụ trách quản lý tài sản của doanh nghiệp phá sản. Hay nói đúng hơn, các Tòa án địa phương vẫn chưa biết phải áp dụng chế định Quản tài viên như thế nào. Các doanh nghiệp đang thực hiện dang dở thủ tục phá sản theo Luật Phá sản 2004 vốn đã chờ đợi mỏi mòn các thủ tục trong mấy năm, nay lại phải tiếp tục chờ…thay đổi thủ tục và hướng dẫn thi hành.
Quản tài viên: Anh là ai?
Quản tài viên là một chức danh hoàn toàn mới trong lĩnh vực luật, kinh tế, kế toán, tài chính – ngân hàng, xuất hiện lần đầu tiên trong Luật Phá sản 2014. Theo đó, Quản tài viên là một trong hai chủ thể được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản, bên cạnh Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.[1] Quản tài viên có thể hành nghề độc lập với tư cách cá nhân hoặc hành nghề trong doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thông qua việc thành lập doanh nghiệp hoặc hợp đồng làm việc.
Để trở thành Quản tài viên, cá nhân phải được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên, tương tự như chứng chỉ hành nghề Kiểm toán viên, Luật sư hiện nay. Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên phải là Luật sư, Kiểm toán viên hoặc người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực đào tạo.[2] Tuy nhiên, trên thực tế, một khi các đối tượng trên đã hành nghề trong một lĩnh vực nhất định, có lẽ ít ai nghĩ đến việc trải qua bao nhiêu thủ tục hành chính để tìm đến doanh nghiệp đang trên đường phá sản và quản lý, thanh lý tài sản cho họ. Đó là còn chưa kể đến thủ tục để có được chứng chỉ hành nghề Quản tài viên cũng không phải chuyện đơn giản.
Bên cạnh đó, Quản tài viên muốn tham gia quá trình quản lý, thanh lý tài sản phải có đề xuất chỉ định của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; không có lợi ích liên quan đến vụ việc phá sản; bản thân Quản tài viên không phải là người thân thích của người tham gia thủ tục phá sản và, quan trọng nhất là Quản tài viên phải có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo quy định[3]. Cũng xin nói rõ thêm, pháp luật phá sản hiện nay không có quy định chỉ rõ thế nào là “người thân thích” như nêu trên, tuy nhiên, có thể dẫn chiếu qua các quy định tương tự để thấy “người thân thích” là người có quan hệ sau đây với Quản tài viên: (i) vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; (ii) ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; hoặc (iii) cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột mà họ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột[4].
Trong quá trình hành nghề, Quản tài viên không được cho thuê, mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, nghiêm cấm có hành vi gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vât chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận. Với quy định này, có thể thấy pháp luật khá “khắt khe” đối với việc nhận thù lao của Quản tài viên, trong khi đó lại quy định mức thù lao của Quản tài viên rất “mơ hồ” căn cứ trên thời gian, công sức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Quản tài viên. Cụ thể, đối với trường hợp đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản thì Thẩm phán và Quản tài viên thỏa thuận mức thù lao, đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì mức thù lao của Quản tài viên được tính theo tỉ lệ phần trăm dựa trên tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã thu được sau khi thanh lý[5]. Với cách tính như vậy, liệu rằng Quản tài viên có đủ sống với mức thù lao mà họ nhận được khi mà số lượng vụ việc phá sản mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi Quản tài viên phải dành rất nhiều thời gian cho một vụ việc phá sản. Và liệu có mấy ai mặn mà với nghiệp… Quản tài viên?
Còn lắm nhiêu khê…
Để kịp thời hướng dẫn thi hành Luật Phá sản 2014, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Tổng hợp các quy định của Luật và Nghị định hướng dẫn có thể thấy, hành trình để một Quản tài viên “gặp gỡ” doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục phá sản phải trải qua các thủ tục rất nhiêu khê, cụ thể: (i) Cá nhân phải nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên tới Bộ Tư pháp; (ii) Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, Quản tài viên phải nộp hồ sơ đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú; (iii) Sở Tư pháp lập và công bố danh sách Quản tài viên tại địa phương; Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách Quản tài viên trên phạm vi toàn quốc trên Cổng thông tin điện tử; (iv) Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản ban hành văn bản chỉ định Quản tài viên và gửi cho Quản tài viên được chỉ định; (v) Quản tài viên gửi văn bản thông báo tham gia vụ việc cho Thẩm phán, sau đó tham gia quản lý, thanh lý tài sản cho doanh nghiệp đã được chỉ định.[6]
Với chủ trương cải cách hành chính như hiện nay, rõ ràng một loạt các thủ tục nêu trên đang gây khó khăn, và thủ tục chỉ định Quản tài viên sẽ lại là một hành trình khá dài cho các doanh nghiệp đang từng ngày mong được phá sản. Vì lẽ đó, thiết nghĩ Quản tài viên chỉ cần quy định là có chứng chỉ hành nghề là đủ điều kiện hành nghề, không cần phải đăng ký hành nghề để đơn giản hóa các thủ tục theo quy định của Luật phá sản 2014. Chưa kể đến việc, một loạt các thủ tục nan giải này cũng làm các cá nhân “e ngại” việc trở thành Quản tài viên.
Sẽ mất nhiều thời gian để hình thành đội ngũ Quản tài viên
Quản tài viên là một chế định hoàn toàn mới nên hiện nay khi mà Luật Phá sản 2014 đã có hiệu lực, Tòa án vẫn đau đầu trong việc tìm kiếm Quản tài viên phụ trách việc quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục phá sản. Hiện nay, được biết có những doanh nghiệp đã trải qua thủ tục thành lập tổ quản lý, thanh lý tài sản theo thủ tục trước đây, đã tiến hành kiểm kê tài sản, nhưng bây giờ lại phải dậm chân tại chỗ, để chờ hướng dẫn các thủ tục tiếp theo theo Luật Phá sản 2014. Theo đó, nếu buộc phải thay đổi tổ quản lý, thanh lý tài sản bằng Quản tài viên để tiếp tục phụ trách vụ việc thì không biết đến bao giờ Quản tài viên mới được chính thức tiếp quản vụ việc. Theo đó, một điều hiển nhiên rằng, phải mất rất nhiều thời gian để bắt đầu hành trình “tìm kiếm” Quản tài viên, tiếp tục hành trình thực hiện thủ tục phá sản cho doanh nghiệp. Và liệu rằng, mục tiêu đơn giản hóa thủ tục phá sản có sớm trở thành hiện thực không? Hay Luật Phá sản 2014 vẫn khiến doanh nghiệp “sống” không được mà “chết” cũng không xong… Để có câu trả lời cho những câu hỏi này, phải chờ đợi sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.



[1] Điều 11 Luật Phá sản 2014
[2] Điều 12 Luật Phá sản 2014
[3] Điều 45 Luật Phá sản 2014
[4] Điểm b, Khoản 4, Mục I Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP quy định về người thân thích của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự
[5] Điều 21 Nghị định 22/2014/NĐ-CP
[6] Điều 4, Điều 9, Điều 14, Điều 16 Nghị định 22/2014/NĐ-CP

1 nhận xét: