Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Đẩy khó cho ai???

ĐẨY KHÓ CHO AI???
Luật sư Nguyễn Vân Quỳnh & Luật sư Nguyễn Hữu Phước
Công ty luật Phuoc & Partners



Đầu tháng 01/2014, Giám đốc Công ty sản xuất ăcquy X bất ngờ nhận được thông báo từ chị Y yêu cầu Công ty X chuyển chị sang làm công việc khác vì theo Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có hiệu lực từ ngày 15/12/2013 (“Thông tư 26”), Công ty X không được sử dụng lao động nữ (“LĐN”) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi như chị Y làm công việc vận hành thiết bị nấu lá chì. Giám đốc và bộ phận nhân sự chưa biết giải quyết ra sao với trường hợp của chị Y bởi vì công ty không có việc làm mới để bố trí cho chị nhưng cũng không thể chấm dứt hợp đồng lao động với chị Y vì không có đủ cơ sở pháp lý.

Đây chỉ là một trong những vấn đề của Thông tư 26 hiện đang gây một số khó khăn trong thực tiễn áp dụng cho người sử dụng lao động (“NSDLĐ”).

Thứ nhất: Nghĩa vụ đào tạo lại, sắp xếp công việc mới cho người lao động nữ

Mặc dù Thông tư 26 được ban hành để bãi bỏ Thông tư Liên tịch số 40/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 28/12/2011 của liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế về quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc không được sử dụng LĐN, LĐN có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (“Thông tư 40”), nghĩa là Thông tư 26 cũng không đặt ra một vấn đề gì quá mới mẻ trong chính sách bảo vệ sức khỏe LĐN, nhưng Thông tư 26 có bổ sung thêm một số ngành nghề không được sử dụng LĐN nói chung và LĐN đang mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi nói riêng. Điều này có nghĩa là từ giữa tháng 12/2013, có thêm nhiều trường hợp NSDLĐ bắt buộc phải đào tạo lại, sắp xếp, bố trí công việc mới cho LĐN để phù hợp với Thông tư 26.

Nghĩa vụ này thoạt nhìn cũng giống với nghĩa vụ của NSDLĐ khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế. Tuy nhiên, liệu rằng theo Thông tư 26, NSDLĐ có được cho LĐN thôi việc nếu không giải quyết được việc làm mới cho họ; và chỉ phải đào tạo lại LĐN nếu có chỗ làm việc mới như quy định tại Điều 44 của Bộ luật Lao động hay không? Nói không thì NSDLĐ gặp khó khăn quá nhiều trong vấn đề đào tạo lại và sắp xếp công việc mới cho LĐN. Nhưng nói được, thì không biết cơ sở pháp lý ở đâu.

Đó là chưa kể đến chuyện hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về việc đào tạo lại cho LĐN, chẳng hạn như đơn vị đào tạo là ai, tự bản thân NSDLĐ đào tạo lại có được không; đào tạo như thế nào; đào tạo xong có bắt buộc phải thi cử hay xét tuyển không nếu có nhiều người lao động cần bố trí công việc mới nhưng chỉ có một số lượng nhỏ công việc còn chỗ trống…