Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Doanh nghiệp bị gièm pha có thực sự được bảo vệ theo luật cạnh tranh không?


Doanh nghiệp bị gièm pha có thực sự được bảo vệ theo luật cạnh tranh không?

(Phạm Trọng Thanh Thủy - Công ty luật Phuoc & Partners)

 
Thương trường là chiến trường mà nhân vật chính không ai khác chính là các thương nhân. Nếu như các doanh nghiệp chân chính không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, thay đổi kiểu dáng sản phẩm thì nhiều doanh nghiệp không chân chính lại sử dụng những hành vi không lành mạnh nhằm hạ bệ doanh nghiệp đối thủ để trục lợi cho doanh nghiệp mình. Một trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn thường được báo chí nhắc đến trong thời gian gần đây đó là hành vi “Gièm pha doanh nghiệp”. Bài viết này sẽ phân tích các đặc trưng của hành vi gièm pha doanh nghiệp, đưa ra nhận xét về các quy định của pháp luật hiện hành để doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan hơn, từ đó có định hướng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

 Vậy, thế nào là “Gièm pha doanh nghiệp”?



Theo quy định tại Điều 43, Luật cạnh tranh 2004 (“Luật cạnh tranh”), hành vi bị xem là gièm pha doanh nghiệp khi một doanh nghiệp sử dụng một hoặc nhiều biện pháp trực tiếp hay gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực về hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đối thủ khiến cho khách hàng không tin tưởng vào sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đối thủ, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đối thủ.

 Trong thực tiễn, cách thức phổ biến mà các doanh nghiệp có dụng ý xấu hay sử dụng đó là lợi dụng các website, diễn đàn để đưa ra các thông tin chưa được kiểm chứng tính xác thực, hay thậm chí cung cấp cho báo chí, giới truyền thông những thông tin chưa chính xác về hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đối thủ theo kiểu “giật gân” nhằm mục đích lôi kéo, kích động người tiêu dùng không sử dụng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đối thủ đó nữa. Hệ quả là các doanh nghiệp bị gièm pha, mặc dù là những doanh nghiệp kinh doanh chân chính vẫn sẽ có thể bị mất uy tín và giảm sút thị phần trên thị trường. Có thể thấy cùng với sự phát triển nhanh chóng của internet và các mạng xã hội, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, thì xu hướng này cũng sẽ là tác nhân làm nở rộ nhiều biểu hiện mới của hành vi gièm pha, càng tinh vi và khó lường hơn.

Làm thế nào để bảo vệ doanh nghiệp bị gièm pha?

 Có nhiều sự lựa chọn để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp bị gièm pha theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, doanh nghiệp bị gièm pha có thể khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh (cụ thể là Cục quản lý cạnh tranh) hoặc yêu cầu cơ quan Tòa án xem xét bảo vệ quyền lợi cho mình.

Biện pháp khiếu nại đến Cục quản lý cạnh tranh (“Cục QLCT”). Để bắt đầu vụ việc khiếu nại, doanh nghiệp bị gièm pha phải lưu ý về thời hạn khiếu nại mà Luật Cạnh tranh quy định. Theo đó, trong vòng 02 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện[1], doanh nghiệp bị gièm pha nếu muốn khiếu nại phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định, bao gồm: Đơn khiếu nại (theo mẫu), chứng cứ về hành vi vi phạm và tài liệu chứng minh tư cách của bên khiếu nại nộp cho Cục QLCT xem xét và thụ lý. Ưu điểm của biện pháp này là doanh nghiệp bị gièm pha không có nghĩa vụ phải chứng minh một cách toàn diện các yếu tố cấu thành hành vi vi phạm của doanh nghiệp bị khiếu nại nào đó, mà họ có quyền giả định rằng doanh nghiệp bị khiếu nại ấy đã có hành vi gièm pha doanh nghiệp khi doanh nghiệp bị khiếu nại “đưa thông tin không đúng sự thật” về sản phẩm, dịch vụ hay hoạt động kinh doanh của mình, rồi yêu cầu Cục QLCT xem xét, xác minh và xử lý - trong trường hợp này doanh nghiệp bị gièm pha chỉ cần xuất trình một vài chứng cứ cho thấy việc “đưa thông tin” và “những gì không đúng sự thật”. Sau đó, khi tiếp nhận khiếu nại, Cục QLCT sẽ là cơ quan trực tiếp điều tra, xem xét một cách toàn diện các yếu tố cấu thành hành vi vi phạm bị khiếu nại và đưa ra quyết định có hay không có hành vi vi phạm. Như vậy, nghĩa vụ chứng minh của doanh nghiệp khiếu nại sẽ được giảm nhẹ đáng kể.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của trình tự giải quyết khiếu nại của Cục QLCT, yêu cầu bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp bị gièm pha, kể cả khi thiệt hại này là rất lớn, sẽ không được Cục QLCT xem xét bởi lẽ đây là vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Ngoài ra, trong quyền hạn luật định[2], Cục QLCT cũng chỉ được xử lý, áp dụng các hình thức xử phạt hành chính (chế tài hành chính) là cảnh cáo hoặc phạt tiền (mức phạt tiền áp dụng từ 10 đến 150 triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm), và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung cùng với biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc cải chính công khai.

Biện pháp khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Điều 117 của Luật Cạnh tranh quy định rằng “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. Như vậy, vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra chưa được quy định cụ thể tại Luật Cạnh tranh mà chỉ được Luật cạnh tranh dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật dân sự, cụ thể là các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật dân sự năm 2005. Khác với Cục QLCT, Tòa án chính là cơ quan có thẩm quyền xem xét và phán quyết về việc bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp bị gièm pha. Tuy thế, khả năng được bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp bị gièm pha thông qua khởi kiện và tranh tụng tại Tòa án có thẩm quyền trong trường hợp này không hẳn là đặc tính khiến cho biện pháp này vượt trội hơn so với biện pháp khiếu nại như được nêu ở trên. Vì Tòa án là cơ quan có chức năng xét xử, nên Tòa án sẽ không tự điều tra, xác minh các tình tiết liên quan đến “hành vi gièm pha doanh nghiệp” hay “thiệt hại” mà doanh nghiệp bị gièm pha phải gánh chịu. Nói cách khác, chính doanh nghiệp bị gièm pha, với tư cách là nguyên đơn, phải tự chứng minh về sự tồn tại của các tình tiết này và tự đưa ra các luận cứ bảo vệ cho yêu cầu được bồi thường thiệt hại (cũng như các yêu cầu khác) trong suốt quá trình tố tụng. Vì thế, có thể nói nghĩa vụ “chứng minh” của doanh nghiệp bị gièm pha sẽ là “gánh nặng” mà họ cần có sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý nếu họ lựa chọn biện pháp khởi kiện đối với doanh nghiệp có hành vi gièm pha. Ngoài ra, trình tự tố tụng liên quan đến việc thụ lý và xét xử của Tòa án trong thực tiễn có thể bị kéo dài thêm nhiều tháng (hoặc thậm chí thêm hàng năm)[3] cũng là điểm khiến cho biện pháp khởi kiện tại Tòa án này mất đi ưu thế.

Do đó, mặc dù biện pháp khởi kiện có thể đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp bị gièm pha là “thiệt hại” của họ có thể được bù đắp hay được bồi thường thông qua các chế tài của Tòa án và công ty thi hành án của nhà nước nhưng để theo đuổi vụ kiện thì đòi hỏi doanh nghiệp bị gièm pha cần chuẩn bị tài chính (án phí, phí luật sư), thời gian và chứng cứ vững mạnh để thuyết phục Tòa án.

Nhận định về pháp luật cạnh tranh của Việt Nam hiện nay

Mặc dù pháp luật cạnh tranh Việt Nam đã có những quy định quan trọng nhằm khẳng định vai trò của mình trong việc bảo vệ các doanh nghiệp chân chính và hướng đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhưng sau nhiều năm áp dụng, quy định của pháp luật cạnh tranh, trong một chừng mực nào đó, đã bộc lộ một số điểm bất cập. Các điểm bất cập được nêu dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp hình dung rõ hơn về các rủi ro mà doanh nghiệp bị vi phạm có thể phải chịu trước những bất cập của pháp luật cạnh tranh.

Thứ nhất, xem xét tới chế tài xử phạt hành chính với mức từ 10 đến 150 triệu đồng, có thể thấy rằng mức xử phạt này đã không còn phù hợp với thực tiễn, cũng như chưa đủ sức nặng răn đe các doanh nghiệp vi phạm. Điều này vô hình chung có thể dẫn đến việc doanh nghiệp có dụng ý cạnh tranh không lành mạnh vẫn bất chấp số tiền phạt vi phạm hành chính mà thực hiện dụng ý của mình để loại bỏ hay làm yếu đi đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

 Thứ hai, pháp luật cạnh tranh hiện hành vẫn còn chưa đủ các quy định về các loại thiệt hại và cách xác định thiệt hại gây ra bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung, và hành vi gièm pha doanh nghiệp nói riêng. Như đã phân tích ở trên, nếu muốn được bồi thường thiệt hại, doanh nghiệp bị gièm pha phải tiến hành khởi kiện và thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình trước Tòa. Tuy nhiên, quy định của pháp luật cạnh tranh hiện hành, và kể cả các quy định của Bộ luật dân sự được Luật cạnh tranh dẫn chiếu lại cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách xác định loại và mức bồi thường thiệt hại gây ra bởi “hành vi gièm pha doanh nghiệp”. Do vậy, nếu yêu cầu Tòa án xem xét buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại, thì gánh nặng “nghĩa vụ chứng minh” của doanh nghiệp bị gièm pha từ các quy định về tố tụng vốn đã nặng nề lại có phần thêm nặng nề hơn.

 Thứ ba, những quy định pháp luật mang tính giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật cạnh tranh cần cho hoạt động xét xử vẫn chưa có nhiều. Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Luật này về vấn đề trên. Số lượng các vụ việc cạnh tranh mà Tòa án đã thụ lý, giải quyết cũng khá ít nên chính ngành Tòa án cũng chưa thể tổng kết và đưa ra hướng dẫn xét xử cụ thể, rõ ràng cho các vụ việc này. Các doanh nghiệp bị gièm pha vì thế cũng không thể có điều kiện tham khảo (các) bản án, đường lối xét xử của Tòa án cho những vụ việc tương tự trước khi đưa ra quyết định có nên khởi kiện hay không khởi kiện.

Thực ra thì quốc gia nào cũng vậy, ở giai đoạn đầu xây dựng luật cạnh tranh, họ cũng không thể tránh khỏi những quan điểm, cách nhìn chưa gần với thực tiễn. Chỉ khi luật được đưa vào áp dụng trong một khoảng thời gian, những điểm, khía cạnh chưa thực tiễn của nó sẽ dần được bộc lộ, và đấy chính là các căn cứ xác đáng để các nhà lập pháp xem xét, sửa đổi, bổ sung dần để hoàn thiện các quy định của luật cạnh tranh. Lấy ngay hệ thống pháp luật cạnh tranh của Mỹ, một hệ thống luật được xem là rất tiến bộ trên thế giới, làm ví dụ. Ở Mỹ, tỷ lệ giải quyết các vụ việc cạnh tranh liên quan đến gièm pha doanh nghiệp khá lớn, tuy nhiên việc chứng minh thiệt hại cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp bị vi phạm. Xin dẫn chiếu một vụ án gần đây tại Mỹ mà bản án của Tòa án được xem là án lệ có tính bước ngoặt về cách chứng minh thiệt hại của doanh nghiệp bị gièm pha, mặc dù trước đó đã có nhiều vụ án tương tự, và đã có nhiều phán quyết của Tòa án.

Công ty E là công ty chuyên sản xuất miếng lót bảo vệ hông tránh bị trật hoặc gãy khi bị té. Sản phẩm này đã bị Bác sĩ F tiến hành các thí nghiệm trên các miếng bảo vệ hông và đăng thông tin rằng những thiết bị này không có tác dụng trong y tế. Công ty E đã khởi kiện Bác sĩ F về hành vi gièm pha nêu trên bởi hành vi này đã dẫn đến thiệt hại về uy tín và doanh thu cho Công ty E. Đáng tiếc rằng, trong quá trình giải quyết vụ việc, Công ty E lại không thể liên hệ giữa việc bị mất doanh thu và các khách hàng cụ thể đã ngưng sử dụng sản phẩm của họ xuất phát từ việc gièm pha của Bác sĩ F. Vì vậy, bản án sơ thẩm đã tuyên Công ty E thua kiện. Sau đó Công ty E đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao, mặc dù Tòa án Tối cao không thay đổi bản án nhưng vẫn đưa ra một ngoại lệ gọi là “loan tin rộng rãi”. Ngoại lệ này áp dụng khi một bên đã thông báo thông tin gièm pha một cách rộng rãi và bên bị vi phạm không thể xác định các khách hàng cụ thể không mua sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty mình[4]. Trong trường hợp này, phía công ty bị gièm pha chỉ phải chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại mà không cần phải xác định cụ thể mức thiệt hại hoặc doanh thu bị giảm, hay nói cách khác, doanh nghiệp có thể viện dẫn khái niệm “loan tin rộng rãi” kết hợp với việc chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gièm pha và thiệt hại. Đây được coi là một bước tiến mới làm cơ sở trong việc giải quyết các hành vi gièm pha doanh nghiệp mà các nước có thể tham khảo, đặc biệt là Việt Nam.

 Kết luận

 Dẫu rằng các quy định về pháp luật cạnh tranh của Việt Nam hiện tại còn chưa phát huy được hết vai trò điều chỉnh của nó trong thực tiễn nhưng chúng ta không thể phủ nhận vai trò hữu ích của nó trong mô hình kinh tế thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – gọi tắt là TPP). Chắc chắn rằng, các quy định của pháp luật cạnh tranh sẽ cần phải hoàn thiện hơn nữa trong tương lai gần để phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần giảm đi tình trạng gièm pha doanh nghiệp nói riêng và hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung hiện nay.

 




[1]      Điều 58.2 Luật cạnh tranh 2004, Điều 46.2 Nghị định 116/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật cạnh tranh
[2]       Điều 31 và Điều 28.4 Nghị định 71/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
[3]  Theo quy định tại Điều 179 Bô Luật tố tụng dân sự 2005 thì thời hạn để đưa vụ án ra xét xử thông thường kéo dài từ 4 đến 6 tháng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét