Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Cơ sở hủy phán quyết trọng tài đã thực sự chặt chẽ?

Cơ sở hủy phán quyết trọng tài đã thực sự chặt chẽ?
Nguyễn Danh Công
Công ty Luật Phước & Partners
Theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại hiện nay, khi một tranh chấp đã được giải quyết bởi một trung tâm Trọng tài, các bên tranh chấp vẫn có quyền yêu cầu một tòa án có thẩm quyền xem xét hủy phán quyết trọng tài khi phát hiện có cơ sở để yêu cầu hủy. Như vậy, dù phán quyết trọng tài đã được tuyên nhưng vẫn không được thi hành một khi bị tòa án tuyên hủy, và khi đó, các bên phải bắt đầu lại các thủ tục để giải quyết tranh chấp từ đầu tại tòa án. Câu hỏi đặt ra là các căn cứ tòa án dựa vào đó để hủy phán quyết trọng tài hiện nay đã thực sự chặt chẽ chưa và làm thế nào để thủ tục yêu cầu toà án xem xét lại phán quyết trọng tài không bị bên thua lợi dụng và trở thành “công cụ” để “kéo dài thời gian thi hành phán quyết trọng tài?
Khi nào một phán quyết trọng tài có thể bị hủy?
Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu.[1]
Thỏa thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết các tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh giữa họ bằng hình thức trọng tài. Như vậy, “không có thỏa thuận trọng tài” có thể hiểu là một trong hai trường hợp sau: (i) các bên không thỏa thuận trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp trước và sau khi tranh chấp đó phát sinh nên trọng tài không có thẩm quyền để giải quyết; hoặc (ii) các bên đã thiết lập thỏa thuận trọng tài nhưng sau đó cùng thống nhất hủy bỏ thỏa thuận trọng tài đó. Khi tranh chấp xảy ra, một bên vẫn đưa vụ việc ra trọng tài và Hội đồng Trọng tài đã giải quyết do có thể không biết được việc hủy bỏ thỏa thuận. Trong cả hai trường hợp, về lý thuyết, nếu trọng tài vẫn thụ lý và giải quyết thì phán quyết trọng tài có thể bị bên kia yêu cầu Tòa án tuyên hủy với lý do “không có thỏa thuận trọng tài”. Tuy nhiên, đối với cả hai trường hợp, khả năng Trọng tài giải quyết và sau đó ra phán quyết rất ít khi xảy ra bởi trong trường hợp (i) thì Tòa án sẽ không thụ lý khi không có thỏa thuận trọng tài; và trong trường hợp (ii), về mặt thực tế, trong thủ tục ban đầu trước xét xử, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài luôn hỏi các bên là có còn tồn tại thỏa thuận trọng tài hay các bên đã thay đổi thỏa thuận trọng tài chưa. Nếu các bên trước đó đã từng hủy bỏ thì điều thỏa thuận lại này sẽ được ghi nhận trong một văn bản riêng và cũng sẽ ghi lại trong biên bản của phiên họp giải quyết.   
Theo quy định tại Điều 18 của Luật Trọng tài Thương mại,[2] thỏa thuận trọng tài chỉ vô hiệu khi xảy ra một trong các trường hợp sau: (i) tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài; (ii) người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền; (iii) người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự; (iv) thỏa thuận trọng tài không được lập thành văn bản; (v) một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu; hoặc (vi) thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật. Các trường hợp này đã thể hiện được các nguyên tắc để quyết định một thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu nhưng để cụ thể hơn, các văn bản dưới luật cần giải thích cụ thể các bằng chứng nào cần phải cung cấp để chứng minh một bên bị “lừa dối, đe doạ, cưỡng ép” hay thế nào là “vi phạm điều cấm của pháp luật” trong khi thỏa thuận trọng tài, vốn chỉ là vài dòng quy định về việc lựa chọn cơ quan trọng tài, quy tắc tố tụng, địa điểm và ngôn ngữ trọng tài.
Thành phần Hội đồng Trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của pháp luật.[3]
Đây là quy định khá rộng và có nguy cơ dễ bị lạm dụng trên thực tế do thủ tục tố tụng trọng tài là tổng hợp tất cả các bước, quy trình và thủ tục từ lúc bắt đầu xét đơn kiện cho đến khi ban hành phán quyết được thể hiện trọng Quy tắc tố tụng trọng tài của mỗi Trung tâm Trọng tài. Dù thủ tục tố tụng tại trọng tài có thể nhanh hơn so với tại tòa nhưng khả năng mắc sai sót, dù là rất nhỏ, trong quá trình tố tụng và là cơ sở để phán quyết trọng tài bị Tòa án tuyên hủy vẫn vẫn có thể xảy ra.
Do vậy, khi phán quyết trọng tài bị hủy do cơ quan trọng tài vi phạm một trong các thủ tục của quy trình tố tụng thì các bên phải chịu để tranh chấp của họ cho Tòa án xét xử trong khi họ không hề có lỗi và không mong muốn điều đó. Điều này đi ngược lại với ý chí và quyền tự định đoạt của các bên đã thể hiện trong thỏa thuận trọng tài. Vì thế, quy định này cần phải được cụ thể và xác định rõ theo hướng chỉ những trường hợp mà ý chí của các bên không chọn Trọng tài giải quyết thì mới đưa sang Tòa án, còn trường hợp các thủ tục trọng tài bị sai, thì có thể Hội đồng Trọng tài đã giải quyết phải chịu trách nhiệm và thiết lập một Hội đồng Trọng tài khác để giải quyết.
Trọng tài không có thẩm quyền.[4]
Theo quy định tại Điều 2 của Luật Trọng tài Thương mại, thẩm quyền giải quyết của trọng tài được áp dụng cho các trường hợp sau: (i) tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; (ii) tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; và (iii) tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài. So với trước đây, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài không chỉ bó hẹp đối với các tranh chấp trong hoạt động thương mại giữa hai thương nhân mà chỉ cần một trong các bên có hoạt động và cả những tranh chấp mà luật quy định phải giải quyết bằng trọng tài. Tuy nhiên, phạm vi giải quyết tranh chấp càng rộng thì khả năng tranh chấp về thẩm quyền của trọng tài lại càng cao. Cụ thể, việc xác định trọng tài có thẩm quyền hay không có thể sẽ gây tranh cãi thậm chí giữa các thành viên của Hội đồng Trọng tài khi xác định tranh chấp mà trọng tài cần giải quyết có “phát sinh từhoạt động thương mại hay không, khi mà định nghĩa về “hoạt động thương mại, theo Điều 3.1 của Luật Thương mại, cụm từ “nhằm mục đích sinh lời” vẫn còn chưa thống nhất về cách hiểu. Hơn nữa, phạm vi tranh chấp mà “pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài” thực sự là rất chung chung, gây cho các bên bị lúng túng trong cách hiểu và áp dụng. Hiện giờ, các bên vẫn chỉ áp dụng Luật Trọng tài Thương mại như một văn bản chính và Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014, đồng thời tham khảo thêm Quy tắc tố tụng trọng tài của mỗi Trung tâm Trọng tài để xác định các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài này.
Phán quyết trọng tài vi phạm các quy định của pháp luật
Để cụ thể vấn đề này, Điều 68 của Luật Trọng tài Thương mại đã liệt kê một số trường hợp. Một là, chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng Trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo.[5] Trong thời đại công nghệ cao như hiện nay, làm giả chứng cứ là chuyện hoàn toàn có thể. Do vậy, nếu Hội đồng trọng tài chỉ xem và đánh giá những chứng cứ do các bên cung cấp thì việc các thành viên của Hội đồng Trọng tài vẫn có thể không nhận ra sự giả mạo của các chứng cứ, đặc biệt là khi Hội đồng Trọng tài có thể sẵn sàng nhận bản sao không có công chứng, chứng thực trước khi kiểm tra bản chính và có thể không kiểm tra bản chính nếu các bên không có phản đối. Trên thực tế, Hội đồng Trọng tài cũng rất thận trọng và một dấu hiệu để Hội đồng Trọng tài yêu cầu cung cấp bản chính hoặc tiến hành giám định khi một bên phản đối, cho rằng không có hay không có sự tồn tại văn bản đó. Trường hợp này, khả năng một phán quyết bị hủy do tài liệu giả mạo là không cao. Vấn đề chỉ đặt ra là luật không quy định phán quyết của Trọng tài có bị hủy hay không nếu các bên trước đó không phản đối tài liệu một bên đã đưa ra nhưng do bản chính của tài liệu đó đã bị mất nên bên cung cấp đã làm giả để bổ sung cho Hội đồng Trọng tài. Nếu Tòa án căn cứ vào đó để hủy phán quyết thì điều này sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức cho các bên tranh chấp và Hội đồng trọng tài.
Tiếp theo, phán quyết cũng sẽ bị hủy nếu có căn cứ cho rằng Trọng tài viên có thể nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài.[6] Về lý thuyết, việc trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp có khả năng xảy ra, và nếu có, điều này vẫn có thể trong một chừng mực nào đó làm xoay chuyển tính công bằng của phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, đối với một Trung tâm Trọng tài có tiếng như VIAC, mặc dù hoạt động trọng tài vẫn đang tiếp tục xây dựng để thật sự chuyên nghiệp thì sự khách quan và công bằng của Trọng tài viên tại VIAC có thể được tin tưởng bởi ngoài vai trò là Trọng tài viên, gần như tất cả họ đều có vai trò ngoài xã hội. Chỉ cần một lần Trọng tài viên có vấn đề, uy tín và hình ảnh của họ sẽ bị mất và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung tâm Trọng tài mà họ là Trọng tài viên. Do vậy, các Trọng tài viên sẽ cực kỳ cân nhắc và luôn giữ mình để không bị rơi vào các vấn đề này.
Ba là, phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.[7] Điều này được hiểu là nội dung phán quyết trọng tài phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nhưng cho đến nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn rõ ràng và cụ thể về quy định này. Vì hệ thống pháp luật của Việt Nam có nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực pháp luật đều có những nguyên tắc riêng nên nếu gộp lại thì nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là rất nhiều. Nếu chưa quy định rõ ràng thì phán quyết trọng tài sẽ có nguy cơ bị hủy rất cao. Ở đây, một điểm cần lưu ý là để áp dụng nguyên tắc này, Tòa án sẽ phải xem xét việc áp dụng pháp luật nội dung của Hội đồng Trọng tài và như vậy, đương nhiên, Tòa án phải xem xét lại các vấn đề nội dung. Trong khi đó, tại Khoản 4, Điều 71 của Luật Trọng tài Thương mại, Tòa án không có quyền xem xét lại nội dung vụ tranh chấp. Khi các quy định về vấn đề này bị mâu thuẫn, các bên,  sẽ rất phải cân nhắc nếu đang trong thời điểm xem xét có chọn trọng tài làm cơ quan để giải quyết tranh chấp sau này hay không. Đồng thời, đối với bên hài lòng với pháp quyết, khả năng rủi ro phải tham gia quá trình tố tụng tại tòa án để giải quyết vụ tranh chấp cũng cao, nếu Tòa án chỉ cần phát hiện ra một sự vi phạm mang tính chung chung khi áp dụng pháp luật, nhất là khi một vấn đề giải quyết có nhiều quan điểm khác nhau. Do đó, thiết nghĩa rằng quy định này nên được hướng dẫn chi tiết hơn, làm sao để nâng cao được sự độc lập và tính chịu trách nhiệm của Hội đồng Trọng tài và tránh để các vụ việc phải giải quyết lại theo thủ tục tố tụng dân sự do Tòa án, dựa trên nguyên tắc chưa cụ thể và rõ ràng này, quyết định hủy phán quyết trọng tài đã tuyên.   
Kết luận
Nhìn chung, các căn cứ để hủy phán quyết trọng tài quy định của Luật trọng tài thương mại là không nhiều. Tuy nhiên, các căn cứ này lại có nội dung khá rộng do có sự viện dẫn đến các điều khoản của các văn bản pháp luật khác. Một khi phán quyết trọng tài bị hủy thì trong hai chọn lựa của mình theo luật định[8] khả năng các bên sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết sẽ rất cao. Khi đó, các bên sẽ lại mất thời gian, công sức và chi phí để theo đuổi các thủ tục tranh tụng lại từ đầu. Do vậy, giải pháp cho vấn đề này là một mặt vẫn cần có cơ chế/thủ tục để Hội đồng Trọng tài chịu trách nhiệm xét xử và tuyên một phán quyết khách quan và Tòa án chỉ tham gia vào trong những trường hợp cực kỳ cần thiết, nếu phán quyết của Trọng tài có những vi phạm rõ ràng về tố tụng hay sai lầm nghiêm trọng khi áp dụng pháp luật. Để làm được điều này, quy định về căn cứ hủy phán quyết trọng tài cần phải được sửa lại theo hướng cụ thể và rõ ràng hơn, tránh để các trường hợp quá chung và rộng, gây ngăn cản đến sự phát triển hoạt động trọng tài tại Việt Nam.   


[1] Điểm a, Khoản 2, Điều 68,  Luật Trọng tài Thương mại số 54/2010/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010 (sau đây gọi chung là “Luật Trọng tài Thương mại”)
[2] Điều 18, Luật Trọng tài Thương mại
[3] Điểm b, Khoản 2, Điều 68,  Luật Trọng tài Thương mại
[4] Điểm c, Khoản 2, Điều 68,  Luật Trọng tài Thương mại
[5] Điểm d, Khoản 2, Điều 68,  Luật Trọng tài Thương mại
[6] Điểm d, Khoản 2, Điều 68,  Luật Trọng tài Thương mại
[7] Điểm đ, Khoản 2, Điều 68,  Luật Trọng tài Thương mại
[8] Khoản 8 Điều 71 của Luật Trọng tài Thương mại Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định hủy phán quyết trọng tài, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án. Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu không hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài được thi hành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét