Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân – nên hay không?



Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân – nên hay không?
(Phạm Trọng Thanh Thủy – Phuoc & Partners)

Ở các nước phương Tây, vấn đề chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân không xa lạ vì nó giúp các cặp vợ, chồng chủ động hơn trong việc quản lý tài chính của mỗi người cũng như hạn chế rủi ro ảnh hưởng đến khối tài sản chung nếu chẳng may khối tài sản chung đó bị thua lỗ hay mất trắng vì lý do nào đó[1]. Ở Việt Nam, vấn đề chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là một chế định được pháp luật thừa nhận và được cụ thể hóa tại Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 (“LHNGĐ 2014”) có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 và thay thế cho Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 (“LHNGĐ 2012”).


Thế nào là chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?

Trước khi tìm hiểu về chế định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, cũng nên tìm hiểu qua tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bao gồm những loại tài sản nào. Theo quy định của LHNGĐ 2014[2], tài sản được xem là tài sản chung của vợ, chồng nếu tài sản đó phát sinh trong thời kỳ hôn nhân mà có nguồn gốc từ: (i) thu nhập do lao động của mỗi bên; (ii) hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi bên; (iii) hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên; (iv) thừa kế chung hoặc được tặng cho chung, và (vi) tài sản khác mà vợ, chồng thỏa thuận là tài sản chung. Như vậy, có thể thấy rằng khi hôn nhân tồn tại càng dài thì khối tài sản chung càng có điều kiện phát triển lớn hơn. Khi đó, xuất phát từ nhu cầu khác nhau của vợ, chồng mà mỗi bên sẽ mong muốn sử dụng, định đoạt một phần tài sản trong khối tài sản chung để phục vụ cho mục đích riêng của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc sử dụng, định đoạt này cũng được cả hai vợ, chồng đồng thuận nên việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ là giải pháp tạo điều kiện cho mỗi bên có quyền chủ động định đoạt phần tài sản được chia và không làm ảnh hưởng đến khối tài sản chung còn lại trong thời kỳ hôn nhân.

Pháp luật hôn nhân gia đình của Việt Nam nói chung chưa có định nghĩa cụ thể như thế nào là chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhưng có thể tạm hiểu rằng việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là việc chuyển một hoặc nhiều tài sản vốn thuộc khối tài sản chung vào khối tài riêng của vợ hoặc chồng (“Chia tài sản chung”). Theo đó, khi tiến hành chia khối tài sản chung, vợ, chồng có thể thỏa thuận rằng người này hoặc người kia nhận nhiều tài sản hơn, dù trên thực tế công sức đóng góp của người nhận nhiều tài sản vào việc tạo lập, phát triển khối tài sản chung có thể chưa tương xứng với giá trị của số tài sản được nhận[3]. Đối với khối tài sản chung còn lại không được chia thì nó vẫn tiếp tục thuộc khối tài sản chung của vợ, chồng và được áp dụng theo nguyên tắc quản lý, sử dụng, định đoạt khối tài sản chung của LHNGĐ 2014.[4]       

Khi nào thì được chia khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?

Trong khi LHNGĐ 2000 có quy định cụ thể một số trường hợp mà vợ, chồng được quyền thỏa thuận chia tài sản chung thì LHNGĐ 2014 dường như nới rộng hơn quyền này khi cho phép vợ, chồng được quyền tự do thỏa thuận phân chia tài sản chung miễn là việc phân chia đó không vi phạm các quy định của LHNGĐ 2014[5]. Mặc dù vậy, các trường hợp được quy định tại LHNGĐ 2000 có thể được xem là một trong những trường hợp tiêu biểu tham khảo về các trường hợp chia tài sản chung khi áp dụng LHNGĐ 2014. Dưới đây là ba trường hợp được chia tài sản chung theo quy định của LHNGĐ 2000.

Trường hợp 1: Chia tài sản chung để đầu tư kinh doanh riêng

Khái niệm về đầu tư kinh doanh riêng chưa được định nghĩa tại LHNGĐ 2000 nên nó có thể được hiểu theo nghĩa khá rộng, có thể là dự án đầu tư đang được thực hiện hoặc cũng có thể chỉ mới được chuẩn bị thực hiện, hay thậm chí đang trong giai đoạn thai nghén. Như vậy, có thể kết luận rằng, kể cả khi một ý tưởng kinh doanh chỉ mới được hình thành trong suy nghĩ thì các bên vẫn có thể thỏa thuận việc phân chia tài sản chung. Dưới góc độ kinh tế, việc chia tài sản chung dường như trở nên hữu ích hơn vì nó giúp cho vợ hoặc chồng - người đầu tư kinh doanh có thể tự định đoạt, tự xác lập các giao dịch (như cầm cố, thế chấp các tài sản có giá trị) theo những thủ tục đơn giản, không mất thời gian chờ đợi sự đồng ý từ người vợ (hoặc chồng) còn lại.

Trường hợp 2: Chia tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng

Về nguyên tắc, vợ hoặc chồng phải có trách nhiệm dùng tài sản riêng của mình để thanh toán cho các nghĩa vụ riêng của người đó nếu nghĩa vụ riêng đó phát sinh trong thời kỳ hôn nhân[6]. Ví dụ như nghĩa vụ trả nợ cho bên thứ ba (nghĩa vụ riêng phát sinh từ giao dịch vay nợ riêng giữa vợ hoặc chồng với bên thứ ba) hay nghĩa vụ phát sinh từ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cá nhân vợ hoặc chồng mà người còn lại không bị ràng buộc một cách liên đới.

Vấn đề đặt ra là nếu tài sản riêng của cá nhân vợ hoặc chồng không đủ để thực hiện nghĩa vụ riêng của người đó thì sẽ giải quyết như thế nào? Trong trường hợp này, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là giải pháp được đặt ra cho người vợ hoặc chồng (người có nghĩa vụ dân sự riêng) có thêm tài sản để thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba. Thực ra việc chia tài sản chung trong trường hợp này chỉ được đặt ra khi mà vợ hoặc chồng – người còn lại, không đồng ý với việc sử dụng khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để phục vụ cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng của một bên. Do đó, nếu cả hai vợ, chồng đều đồng ý sử dụng khối tài sản chung để thanh toán cho nghĩa vụ riêng của một bên thì sẽ không có câu chuyện chia tài sản chung.

Trường hợp 3: Chia tài sản chung vì lý do chính đáng

LHNGĐ 2000 và các văn bản hướng dẫn dưới luật trước đây chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào được xem là lý do chính đáng. Tuy nhiên, một số lý do chính đáng có thể được xem là hợp lý cho mục đích chia tài sản chung, đó là khi: (i) vợ hoặc chồng thường xuyên có hành vi phá tán tài sản chung dẫn đến người còn lại phải yêu cầu chia tài sản chung để đảm bảo sự toàn vẹn của khối tài sản chung để nuôi con nhỏ; hoặc (ii) trường hợp vợ hoặc chồng vắng mặt tại nơi cư trú hay bị mất tích và người còn lại cần có một khối tài sản riêng để được chủ động hơn trong các giao dịch của mình; hoặc (iii) trường hợp vợ hoặc chồng không còn sống chung nữa (ly thân thực tế) nhưng không muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân và mong muốn tách bạch khối tài riêng của mỗi bên[7].

Các trường hợp chia tài sản chung được liệt kê nêu trên có thể là các ví dụ thiết thực tại thời điểm hiện tại cho các cặp vợ, chồng vận dụng khi mà LHNGĐ 2014 chỉ vừa mới được ban hành và chưa có Nghị định hướng dẫn về vấn đề này. Có thể thấy rằng, LHNGĐ 2014 đã tạo ra một bước tiến quan trọng trong việc nới rộng quyền tự do chia tài sản chung của vợ, chồng nhằm theo kịp với sự thay đổi không ngừng của cuộc sống hiện đại ngày nay.

Thủ tục tiến hành chia tài sản chung

Vợ, chồng có thể tiến hành chia tài sản chung theo một trong hai cách sau: tự thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết. Nếu việc phân chia tài sản chung được tiến hành dựa trên sự đồng thuận của vợ, chồng thì vợ, chồng có thể tham khảo các bước sau:

Bước 1: Cùng ngồi lại trao đổi với người bạn đời về các dự định, mong muốn của mỗi bên khi tiến hành việc chia tài sản chung, trong đó thống nhất các vấn đề về khối tài sản chung sẽ được chia và cách chia như thế nào;

Bước 2: Sau khi đã thống nhất với nhau về cách chia, bước tiếp theo đó là soạn thảo thỏa thuận chia tài sản chung này như thế nào. Trong trường hợp này, việc tìm đến một luật sư uy tín, có kinh nghiệm về luật hôn nhân gia đình để hỗ trợ là điều nên xem xét. Việc này không chỉ giúp các bên thể hiện trọn vẹn, súc tích, đầy đủ các nội dung đã thống nhất trước đó mà còn đảm bảo việc tuân thủ điều kiện về mặt hình thức và nội dung của một thỏa thuận chia tài sản chung theo quy định pháp luật.

Lưu ý rằng, đối với điều kiện về hình thức mà thỏa thuận cần phải đáp ứng, ngoài việc phải được soạn thảo dưới dạng văn bản, một số trường hợp theo quy định của pháp luật, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung phải được công chứng[8]. Riêng đối với điều kiện về mặt nội dung của thỏa thuận, mặc dù LHNGĐ 2014 và Nghị định 126/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật LHNGĐ 2014 chưa đưa ra các điều khoản bắt buộc cần phải có trong thỏa thuận, tuy nhiên để tránh các tranh chấp đáng tiếc xảy ra về sau, các bên cần biết các điều khoản nào là quan trọng để đưa vào thỏa thuận[9].
  
Bước 3: Quan tâm đến thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận chia tài sản.

Hiểu biết về thời điểm có hiệu lực của sự phân chia tài sản chung cũng không kém phần quan trọng vì nó giúp xác định được thời điểm nào mà khối tài sản dự định chia không còn thuộc khối tài sản chung của vợ, chồng theo quy định của pháp luật nữa, từ đó, các bên sẽ có quyền định đoạt khối tài sản được chia theo ý chí của mình. Cụ thể, thời điểm có hiệu lực của việc phân chia tài sản chung sẽ là thời điểm do vợ, chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản. Nếu trong văn bản lại không có xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản[10]. Trường hợp nếu tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thời điểm có hiệu lực được tính từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức pháp luật quy định.

Việc áp dụng các bước nêu trên, trong chừng mực nào đó sẽ tạo cho vợ, chồng tâm lý thoải mái hơn khi trao đổi với người bạn đời và đạt được sự đồng thuận dễ dàng hơn bởi ít vợ, chồng đã có những kiến thức pháp luật  cơ bản và định hướng cần phải làm gì khi tiến hành một vụ thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận được thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thủ tục chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bằng con đường tòa án sẽ được thực hiện tương tự như việc chia tài sản trong một vụ ly hôn thông thường. Theo đó, bên có yêu cầu sẽ nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết và tòa án sẽ dựa theo nguyên tắc xác định công sức đóng góp của mỗi bên đối với khối tài sản dự định phân chia trên cơ sở xem xét hoàn cảnh của các bên, đảm bảo lợi ích cho mỗi bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập[11]. Cũng lưu ý thêm, thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong trường hợp này sẽ được tính từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ, chồng mà chỉ làm thay đổi khối tài sản chung của vợ, chồng theo hướng chuyển một hoặc nhiều tài sản trong khối tài sản chung vào tài sản riêng của mỗi bên và phần hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó cũng thuộc về tài sản riêng của bên được chia[12].

Bên cạnh đó, LHNGĐ 2014 cũng đặt vấn đề liên quan đến trách nhiệm của vợ, chồng trong việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba nếu thỏa thuận chia tài sản chung được pháp luật công nhận. Theo đó, Điều 40.2 LHNGĐ 2014 quy định rằng, nếu thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng có hiệu lực thì nghĩa vụ của vợ, chồng được xác lập với bên thứ ba trước khi có sự phân chia tài sản chung vẫn sẽ không thay đổi. Quy định này cùng với nguyên tắc chịu trách nhiệm của vợ, chồng đối với các nghĩa vụ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân[13] giúp làm rõ việc trong thời kỳ hôn nhân nếu vợ hoặc chồng xác lập giao dịch với bên thứ ba và giao dịch đó được đảm bảo bằng tài sản riêng của một bên thì sau khi thỏa thuận chia tài sản chung giữa hai vợ, chồng có hiệu lực, bên có nghĩa vụ vẫn sẽ dùng tài sản riêng của mình để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba[14], nhưng nếu nghĩa vụ với bên thứ ba được đảm bảo bằng tài sản chung của cả vợ, chồng thông qua việc vợ, chồng cùng xác lập giao dịch đó thì vợ, chồng đương nhiên phải cùng chịu trách nhiệm liên đới trước bên thứ ba kể cả khi đã tiến hành vụ việc phân chia tài sản chung. Tuy nhiên, nếu giả sử sau khi tiến hành phân chia tài sản chung mà khối tài sản chung còn lại của vợ, chồng sau đó không còn đủ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba thì quyền lợi của bên thứ ba sẽ được giải quyết như thế nào? Quy định của pháp luật hôn nhân gia đình giải quyết trường hợp này theo hướng sự phân chia tài sản chung giữa vợ, chồng có thể bị xem là vô hiệu nếu sự phân chia này nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba[15]. Một cách hợp lý, có thể suy luận rằng trong trường hợp này, bên thứ ba có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhân sự phân chia tài sản chung của vợ, chồng là vô hiệu miễn là bên thứ ba phải có cơ sở và chứng cứ rõ ràng chứng minh được mục đích của việc chia tài sản là nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với mình. Thế nhưng, hiện tại LHNGĐ 2014 mới chỉ dừng lại việc đặt vấn đề bảo vệ quyền lợi cho bên thứ ba thông qua việc không công nhận sự phân chia tài sản chung của vợ, chồng mà chưa có quy định rõ ràng hướng dẫn cho bên thứ ba áp dụng để bảo vệ quyền lợi của họ, ví dụ như bên thứ ba phải thực hiện quyền yêu cầu của mình với cơ quan nào, theo thủ tục như thế nào để đảm bảo rằng thỏa thuận phân chia tài sản chung sẽ không có hiệu lực và sử dụng nó để yêu cầu vợ, chồng thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Hi vọng rằng, trong tương lai gần, quy định này sẽ được cụ thể hóa hơn để tạo sự cân bằng quyền lợi giữa các bên trước xu hướng việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là một chế định đang được thừa nhận và áp dụng rộng rãi.

Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Bên cạnh việc công nhận chế định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, pháp luật hiện hành còn trao cho các bên quyền được thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung nếu các bên không còn nhu cầu áp dụng chế độ chia tài sản chung nữa. Theo đó, để đưa khối tài sản riêng đã được được phân chia vào lại khối tài sản chung thì khi tiến hành thỏa thuận chấm dứt việc chia tài sản chung, các bên cũng cần tuân thủ các điều kiện về hình thức tương tự như các quy định khi chia tài sản chung, trường hợp nếu sự phân chia tài sản chung được giải quyết bằng con đường Tòa án thì việc chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong trường hợp này cũng phải được Tòa án công nhận[16].

Kết luận

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển như hiện nay, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân không chỉ có ý nghĩa hạn chế các rủi ro ảnh hưởng đến khối tài sản chung của vợ, chồng và gián tiếp ảnh hưởng đến những người phụ thuộc (ví dụ như cha, mẹ, con cái) mà nó còn là giải pháp loại bỏ các mâu thuẫn giữa vợ, chồng trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt khối tài sản bởi không phải lúc nào vợ, chồng cũng đạt được sự đồng thuận trong việc định đoạt khối tài sản chung của gia đình. Ngoài ra, việc chia tài sản chung cũng góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước thông qua các giao dịch độc lập và chủ động của vợ, chồng. Chính vì vậy, việc thừa nhận chế định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ là giải pháp có ích cho các cặp vợ, chồng và đem đến nguồn lực cho việc phát triển kinh tế cho quốc gia.










[1] Stephen T.Gray, Treatment of Postnuptial Agreements under Oklahoma Law.  <https://www.law.ou.edu/sites/default/files/files/OU_LAW_ADMIN/09%20gary%20comment%20blu1.pdf>
[2]   Điều 33, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
[3]   Điều 38.1, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
[4]   Điều 35, Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[5]   Điều 38, khoản 1 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[6]   Điều 44, khoản 3, Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[7]    Nguyễn Ngọc Điện, 2004. Bình luận khoa học về Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản trẻ
[8]    Điều 38.2 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[9]    Thực ra, Điều 6 của Nghị định 70/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân gia đình 2000 (nay được thay thế bởi Nghị định 126/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Hôn nhân gia đình 2014) đã từng đưa ra các điều khoản bắt buộc phải có trong văn bản Thỏa thuận chia tài sản chung. Tuy nhiên, đến khi Luật Hôn nhân gia đình 2014 ra đời thì quy định này lại không thấy được đề cập đến nữa.
[10]   Điều 39, khoản 1 và khoản 2 của Luật Hôn nhân gia đình 2014
[11]   Điều 38, khoản 3 và Điều 59 LHNGĐ 2014.
[12]  Điều 38.1 LHNGĐ 2014.
[13]  Điều 37, Điều 45 LHNGĐ 2014.
[14]  Trừ trường hợp nếu nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ hoặc chồng tự xác lập để phục vụ cho nhu cầu của gia đình thì cả hai vợ, chồng phải có nghĩa vụ liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ này (Điều 45.3 LHNGĐ 2014)
[15]   Ngoài trường hợp nêu trên, Điều 42 LHNGĐ 2014 cũng nêu thêm các trường hợp khác mà việc chia tài sản chung có thể bị vô hiệu nếu các bên vi phạm các quy định này.
[16]  Điều 41 Luật Hôn nhân gia đình 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét