Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Nhiều chi phí doanh nghiệp tăng trong năm 2019


NHIỀU CHI PHÍ DOANH NGHIỆP SẼ TĂNG TRONG NĂM 2019

Ls. Cao Thị Hoàng Oanh & Ls. Nguyễn Hữu Phước
Công ty Luật Phuoc & Partners
                                
Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2018 sẽ kết thúc, mở cửa cho năm 2019 và là dịp chúng ta cùng ngồi lại để nhận diện các loại chi phí có thể tăng hoặc giảm cho doanh nghiệp trong năm 2019 so với năm 2018 sắp tới để có chiến lược hoạch định và kiểm soát chi phí cho phù hợp.

Mức lương tối thiểu vùng tăng có thể làm tăng quỹ lương, kinh phí công đoàn và chi phí tham gia bảo hiểm

Vào ngày 16/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP thông qua mức lương tối thiểu vùng của năm 2019 đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ), chính thức có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01/01/2019. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng của năm 2019 sẽ tăng với tỷ lệ 5,3% so với năm 2018. Mức tăng cụ thể như sau: Vùng 1: tăng từ 3.980.000 VNĐ/tháng lên 4.180.000 VNĐ/tháng. Vùng 2: tăng từ 3.530.000 VNĐ/tháng lên 3.710.000 VNĐ/tháng. Vùng 3: tăng từ 3.090.000 VNĐ/tháng lên 3.250.000 VNĐ/tháng. Vùng 4: tăng từ 2.760.000 VNĐ/tháng lên 2.920.000 VNĐ/tháng. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 70/2018/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 09/11/2018 thì mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.390.000 VNĐ/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2019.

Như các doanh nghiệp đã biết, tiền lương tháng dùng làm cơ sở để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNBNN) là tiền lương trả cho NLĐ và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và rằng, mức lương tối đa đóng các loại bảo hiểm này cũng sẽ tăng lên (tối đa 20 tháng lương cơ sở cho BHXH, BHYT, BHTNLĐ, BNN và tối đa 20 tháng lương tối thiểu vùng cho BHTN). Thêm vào đó, mức kinh phí công đoàn mà doanh nghiệp phải đóng sẽ dựa trên và tỷ lệ thuận với quỹ tiền lương dùng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. 


Việc tăng mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở cũng đồng nghĩa với việc kéo theo tăng chi phí lương đối với doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có sử dụng nhiều công nhân lao động nói riêng, trực tiếp làm tăng chi phí các khoản bảo hiểm bắt buộc và tăng kinh phí công đoàn.

Tăng chi phí đóng BHXH và BHTNBNN

Về mặt pháp lý, NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã thuộc đối tượng phải tham gia BHXH theo Luật BXHH 2014 kể từ ngày 01/01/2018 và phải tham gia BHTNBNN theo Luật An toàn, Vệ sinh Lao động 2015 từ ngày 01/7/2016 nhưng vào lúc bấy giờ, khi chưa có hướng dẫn chi tiết của Chính phủ, trên thực tế, cơ quan BHXH Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ cơ sở để thu BHXH và BHTNBNN của đối tượng này.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, Vệ sinh Lao động và có hướng dẫn chính thức về việc đóng BHXH và BHTNBNN bắt buộc đối với đối tượng này với hiệu lực áp dụng từ ngày 01/12/2018. Theo đó, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động (NSDLĐ) tại Việt Nam, ngoại trừ NLĐ nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, được di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng hoặc NLĐ nước ngoài đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Mức đóng của NSDLĐ hàng tháng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của nhóm NLĐ này từ ngày 01/12/2018 sẽ là 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 0,5% vào quỹ BHTNBNN và sẽ cộng thêm 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2022. 

Như vậy, ngoài lý do tiền lương tối thiểu vùng tăng vào đầu năm 2019 như nói trên, việc mở rộng đối tượng đóng BHXH và BHTNBNN đối với NLĐ nước ngoài cũng sẽ khiến chi phí đóng BHXH và BHTNBNN cho NLĐ cũng tăng theo đó. Nếu NLĐ nước ngoài thỏa thuận với NSDLĐ với mức lương net thì chi phí tăng lên này toàn bộ sẽ do doanh nghiệp gánh chịu.

Tăng thuế bảo vệ môi trường

Kể từ ngày 01/01/2019, Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 do Quốc hội thông qua vào ngày 26/9/2018 chính thức có hiệu lực, nâng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng lên 4.000VNĐ/lít, tăng thêm 1.000 VNĐ/lít so với năm 2018; dầu diesel là 2.000VNĐ/lít, tăng thêm 500VNĐ/lít so với năm 2018; dầu hỏa là 1.000VNĐ/lít, tăng thêm 700VNĐ/lít so với năm 2018 và dầu madut, dầu nhờn và mỡ nhờn là 2.000VNĐ/lít, tăng thêm 1.100VNĐ/lít so với năm 2018. Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng như than nâu tăng từ 10.000VNĐ/tấn lên 15.000VNĐ/tấn, than antraxit tăng từ 20.000VNĐ/tấn lên 30.000VNĐ/tấn, than mỡ và các loại than đá khác tăng từ 10.000VNĐ/tấn lên 15.000VNĐ/tấn, dung dịch Hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) tăng từ 4.000VNĐ/kg lên 5.000VNĐ/kg và túi ni lông cũng tăng từ 40.000VNĐ/kg lên 50.000VNĐ/kg.

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng nói trên, đặc biệt là các mặt hàng như xăng, dầu, dù ít dù nhiều không chỉ tác động trực tiếp đến người dân sử dụng các mặt hàng này, mà gián tiếp kéo theo tăng các loại chi phí khác (đặc biệt là chi phí vận tải) cho doanh nghiệp, dồn không ít gánh nặng lên vai của người tiêu dùng, đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược, kiểm soát chi phí hợp lý cho bài toán này.

Giảm chi phí trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ

Trong loạt các chi phí sẽ tăng trong năm 2019, khoản chi phí nhân công dùng trả cho trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho NLĐ là khoản chi được giảm.

Cụ thể, thời gian NLĐ thử việc, thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ sẽ được loại trừ khỏi thời gian làm việc thực tế của NLĐ để làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Nghị định số 148/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 24/10/2018 và có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2018, ngoại trừ các HĐLĐ nào có hiệu lực trước ngày Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực (tức ngày 01/5/2014) mà có thỏa thuận thời gian thử việc thì thời gian làm việc thực tế cho NSDLĐ làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm bao gồm cả thời gian thử việc trong HĐLĐ thì thời gian thử việc đó mới được được tính vào thời gian làm việc thực tế của NLĐ để làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Như vậy, thay đổi này trong một chừng mực nào đó sẽ kéo theo giảm thời gian được xem là thời gian làm việc thực tế của NLĐ dùng làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm và sẽ dẫn đến việc giảm chi phí trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm (nếu có) cho doanh nghiệp.  

Vẫn có thể bổ sung chi phí trả lãi tiền vay vốn của doanh nghiệp vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu là chi phí không được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp trong Dự thảo Luật sửa đổi các luật liên quan đến thuế

Kể từ ngày 17/8/2017 khi Bộ Tài chính trình lên Chính phủ bản dự thảo đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật thuế tài nguyên kèm theo Công văn số 10958/BTC-CST ngày 17/8/2017 của Bộ Tài chính, chúng ta vẫn chưa thấy động thái chính thức nào khác của Bộ Tài chính có ý kiến thêm về vấn đề này. Điều này có lẽ gián tiếp thể hiện sự quyết tâm của Bộ Tài chính muốn khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn của doanh nghiệp vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu và muốn loại trừ chi phí này ra khỏi khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Một khi quy định đề xuất trên được thông qua, số thuế TNDN có thể nộp sẽ nhiều hơn so với quy định hiện hành, đặc biệt đối với doanh nghiệp nào hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay và ý tưởng sản xuất kinh doanh lúc ban đầu.

Cụ thể, theo Dự thảo, nếu chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại, thì được xem là khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, riêng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ này không quá 12 lần vốn chủ sở hữu; đối với một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp đã có quy định của pháp luật về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư thì thực hiện theo quy định đó.

Tiếp tục hy vọng được ưu đãi thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Về nguyên tắc, kể từ ngày 01/01/2018 khi Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa chính thức có hiệu lực thì doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế TNDN. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa có khung pháp lý về thuế suất thuế TNDN áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Lần gần đây nhất mà vấn đề này được đề cập là trong bản dự thảo đề cương các luật về thuế được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ vào ngày 17/8/2017 trong Công văn số 10958/BTC-CST của Bộ Tài chính như nói trên. Cụ thể, theo bản dự thảo này, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ VNĐ áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ VNĐ đến 50 tỷ VNĐ áp dụng thuế suất 17%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% là tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm. Mức thuế suất 17% và 15% này không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên.

Đáng tiếc là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB, Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN và Luật thuế tài nguyên không nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 mà Quốc hội đã lên kế hoạch trong Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08/6/2018 của Quốc hội.

Như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phải tiếp tục chờ cập nhật cho việc hưởng ưu đãi mức thuế suất 15% hoặc 17% nói trên, ít nhất trong năm 2020.  




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét