DỊCH VỤ TAXI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ - DOANH NGHIỆP NÊN CÂN NHẮC LỰA CHỌN
(Phạm Trọng Thanh Thủy
– Phuoc & Partners)
Trong thời gian vừa qua, bên
cạnh dịch vụ taxi truyền thống, sự xuất hiện của mô hình dịch vụ taxi ứng dụng công
nghệ phần mềm đã mang đến cho người sử dụng dịch vụ taxi tại các thành phố lớn
của Việt Nam những trải nghiệm mới thông qua sự tiện
lợi cũng như lợi ích kinh tế của loại hình dịch vụ này. Không những vậy, mô
hình dịch vụ taxi ứng dụng công nghệ phần mềm còn giúp tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi
(“doanh nghiệp taxi”) và hỗ trợ
doanh nghiệp taxi cung cấp dịch vụ nhanh chóng hơn đến người sử dụng dịch vụ (“người dùng”). Tuy nhiên, trong chừng mực
nào đó, người dùng là doanh nghiệp vẫn nên cân nhắc khi sử dụng mô hình mới mẻ
này.
Lợi ích cho cả đôi bên
Cùng với sự phát triển đến
chóng mặt của công nghệ thông tin, việc ứng dụng thành tựu công nghệ đã diễn ra
ở hầu hết các lĩnh vực dịch vụ trong nền kinh tế, do đó, dịch vụ vận tải taxi cũng
không là ngoại lệ. Theo đó, các doanh nghiệp taxi thông qua việc sử dụng ứng dụng
phần mềm do các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ công nghệ (“doanh nghiệp công nghệ”) cung cấp đã đem
đến dịch vụ taxi nhiều tiện lợi hơn cho người dùng. Người dùng khi có nhu cầu sử
dụng taxi sẽ truy cập vào ứng dụng mà người dùng đã tải về điện thoại
smartphone trước đó và đăng ký chọn điểm đi, điểm
đến. Dựa trên thông tin lịch trình đã đăng ký của người dùng, ứng dụng sẽ tự động
tìm kiếm, cung cấp thông tin các tài xế của doanh nghiệp taxi đang ở gần vị trí
người dùng nhất để người dùng tùy chọn.
Có thể nói, áp dụng công nghệ
vào dịch vụ taxi đã giải quyết được các vấn đề cho người dùng mà dịch vụ taxi
truyền thống không thể đem lại. Chẳng hạn như, người dùng không phải mất nhiều
thời gian chờ đợi taxi như trước đây, thậm chí ứng dụng còn giúp người dùng nắm
bắt được lịch trình của xe đang đến đón mình để có thể tư vấn cho tài xế đường
đi hợp lý nhất. Bên cạnh đó, mức cước taxi người dùng phải chi trả thường rẻ hơn
20% - 40% so với giá cước của taxi truyền thống tùy từng thời điểm trong ngày
và người dùng còn có thể ước tính được trước giá cước taxi của chuyến đi để cân
nhắc trước khi quyết định sử dụng dịch vụ. Đồng thời, người dùng có thể đánh
giá chất lượng dịch vụ tại thời điểm sử dụng xe bằng việc đưa ý kiến phản hồi ngay
trên ứng dụng.
Không những thế, ở vị trí của
nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp taxi cũng cắt giảm khá nhiều chi phí, chẳng
hạn như, giảm bớt nhân sự giám sát chất lượng phục vụ của tài xế, nhân sự trực tổng
điều phối xe, không cần bố trí chỗ đậu xe cho tài xế, chi phí mua điểm đón cũng
như bố trí nhân viên điều phối xe tại đó.
Nhưng Nhà nước khó kiểm soát….
Chính vì các lợi ích của mô
hình dịch vụ taxi ứng dụng công nghệ như nói trên mà số lượng người dùng sử dụng
mô hình dịch vụ taxi này ngày càng có xu hướng gia tăng, và theo đó các doanh
nghiệp taxi, doanh nghiệp công nghệ cũng thu được nhiều lợi nhuận từ mô hình
này. Vì vậy, thay vì hợp tác với các doanh nghiệp taxi truyền thống, các doanh
nghiệp công nghệ đã mở rộng thêm nguồn cung phương tiện vận tải để dễ dàng tiếp
cận người dùng thông qua việc hợp tác với các cá nhân có xe nhàn rỗi và cung cấp
ứng dụng phần mềm cho các cá nhân này để họ thực hiện hoạt động kinh doanh dịch
vụ taxi. Ngoài ra, để phần nào phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam trong
lĩnh vực kinh doanh vận tải, các cá nhân có xe nhàn rỗi đã gia nhập vào hợp tác
xã vận tải với tư cách là xã viên (thay vì phải thành lập doanh nghiệp có đủ điều
kiện hoạt động kinh doanh taxi) và sau đó sử dụng ứng dụng phần mềm của doanh
nghiệp công nghệ để kinh doanh dịch vụ taxi.[1]
Dù vậy, đó chỉ là biện pháp ứng
phó để gia tăng hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp công nghệ và tài xế có
xe nhàn rỗi, trong khi các điều kiện luật định khác áp dụng cho phương tiện vận
tải taxi đều dường như không được tài xế có xe nhàn rỗi tuân thủ. Cụ thể, các
xe cá nhân tham gia vào mô hình taxi ứng dụng công nghệ hiện nay chưa tuân thủ
các quy định về gắn hộp đèn với chữ taxi trên nóc xe, hai bên cánh cửa xe có
logo như yêu cầu của pháp luật[2], dẫn đến việc cơ quan nhà
nước có thẩm quyền rất khó kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi
vi phạm pháp luật đó. Điều này còn tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa
các xe cá nhân tham gia vào mô hình dịch vụ taxi ứng dụng công nghệ với các doanh
nghiệp taxi. Ví dụ như, trong khi xe taxi vận hành theo kiểu truyền thống bị cấm
hoạt động tại một số tuyến đường vào giờ cao điểm thì các xe cá nhân vẫn có thể
hoạt động một cách bình thường mặc dù tại thời điểm đó các xe cá nhân này đang
vận chuyển hành khách như các taxi khác.
Và người dùng là doanh nghiệp nên cân nhắc
Với kiểu vận hành của các
taxi ứng dụng công nghệ như hiện nay, các tài xế và hợp tác xã vận tải mà tài xế
tham gia làm xã viên (người dùng không thể kiểm tra thông tin này) hầu như
không thể phát hành hóa đơn giá trị gia tăng cho người dùng. Trong khi đó, các
doanh nghiệp, đặc biệt các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ rất cần có
các biên lai, hóa đơn giá trị gia tăng đó để chứng minh và yêu cầu khách hàng của
mình thanh toán lại nếu hai bên có thỏa thuận về việc khách hàng phải chịu chi
phí đi lại khi bên cung cấp dịch vụ thực hiện công việc theo yêu cầu của khách
hàng.
Không những không thể yêu cầu
khách hàng hoàn trả lại các khoản chi phí taxi mà doanh nghiệp đã thanh toán
trước, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ taxi ứng dụng công nghệ cũng không thể đưa
chi phí đi lại này vào chi phí hợp lý được trừ, khi tính thuế thu nhập doanh
nghiệp (“TNDN”) vì điều kiện để
doanh nghiệp được trừ các khoản chi khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh
nghiệp ít nhất phải là: (i) khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động
sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; và (ii) khoản chi đó phải có đủ hóa đơn,
chứng từ hợp pháp.[3] Như
vậy, ở góc độ tài chính, doanh nghiệp có thể không được tối ưu hóa lợi nhuận nếu
thường xuyên và lâu dài sử dụng dịch vụ taxi do các cá nhân có xe nhàn rỗi cung
cấp như sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp taxi.
Kết luận
Không thể phủ nhận vai trò của
mô hình dịch vụ taxi ứng dụng công nghệ phần mềm đã mang đến những tiện ích thiết
thực cho người dùng và ở góc độ cạnh tranh, mô hình này góp phần thúc đẩy các doanh
nghiệp taxi kinh doanh theo kiểu truyền thống trước đây phải đổi mới chất lượng
dịch vụ, chất lượng phương tiện vận tải để mang đến cho người dùng những giá trị
tốt nhất. Chẳng hạn như, gần đây nhất, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng
đã triển khai việc mua ứng dụng gần tương tự như các ứng dụng của các doanh
nghiệp công nghệ nói ở trên để người dùng có thể tải ứng dụng về máy tính hay
điện thoại và gọi xe nhưng trong chừng mực nào đó việc triển khai này vẫn chưa
thể cạnh tranh được với các ứng dụng của các doanh nghiệp công nghệ vì giá cước
taxi truyền thống vẫn không giảm.
Tuy nhiên, để mọi doanh nghiệp
đều hoạt động kinh doanh bình đẳng trong thị trường cạnh tranh, tương lai, Nhà
nước cần có thêm các hành lang pháp lý để kiểm soát mô hình này. Bên cạnh đó, nếu
người dùng là doanh nghiệp, để có thể tận hưởng dịch vụ tốt nhất với tính hiệu
quả kinh tế, các doanh nghiệp nên lựa chọn và tìm hiểu kỹ càng về bên cung cấp
dịch vụ taxi trước khi quyết định sử dụng dịch vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét