Công bố thông tin doanh nghiệp khi điều chỉnh –
Lợi ích đa bên!
Nguyễn Danh Công
Công ty luật Phuoc & Partners
Một doanh nghiệp từ khi được “khai sinh” cho đến khi bị “khai tử” ít nhất
phải có một lần điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh. Theo đó, khi thay đổi
các thông tin liên quan đến tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại
diện, ngành, nghề kinh doanh, vốn điều lệ, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ
đông sáng lập và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, doanh nghiệp
có nghĩa vụ thực hiện việc công bố các điều chỉnh này trong
thời hạn và theo cách thức luật định.
Tuy nhiên, trong thực tế có rất ít doanh nghiệp tuân thủ quy định công bố thông
tin này, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc mang tính gia đình hoặc
cũng có trường hợp cố tình không thực hiện vì những lý do riêng hoặc nếu có thực
hiện thì cũng chỉ công bố qua loa cho đủ thủ tục, do có thể họ chưa ý thức được
ý nghĩa và mục đích quan trọng của việc này không chỉ đối với chính bản thân
doanh nghiệp đó mà còn đối với đối tác của họ và Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp
Là nhằm tuân thủ với quy định
pháp luật.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005,[1] trong thời hạn 30 ngày kể
từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực
hiện việc công bố thông tin doanh nghiệp trên mạng thông tin doanh nghiệp của
cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương hoặc một trong các loại tờ báo viết hoặc
báo điện tử trong 03 số liên tiếp. Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện
việc công bố thông tin doanh nghiệp trong thời hạn và phương thức như nêu trên,
doanh nghiệp có thể bị phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 1 đến 2 triệu đồng
đồng thời bị yêu cầu buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp ngay theo
quy định.[2] Như vậy, việc công bố
thông tin doanh nghiệp khi điều chỉnh không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của
doanh nghiệp mà còn là nghĩa vụ theo luật định. Nếu không tuân thủ thì doanh
nghiệp sẽ bị chế tài.
Là nhằm tạo tính công khai, minh
bạch.
Về mặt ngữ nghĩa, công khai có nghĩa là phổ biến cho công chúng biết về
thông tin đăng ký doanh nghiệp đã được thay đổi còn minh bạch lại là yêu cầu
thông tin đó phải chính xác, đúng và đầy đủ. Trong nền kinh tế thị trường hiện
nay, công khai và minh bạch thông tin doanh nghiệp được xem như là những yếu tố
quan trọng để thu hút đầu tư và tạo niềm tin nơi nhà đầu tư, đặc biệt là các
nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một doanh nghiệp dù làm tốt việc công khai
thông tin doanh nghiệp nhưng chưa chắc đã là minh bạch của thông tin được công
khai. Bởi lẽ việc công khai thông tin doanh nghiệp là bắt buộc nhưng tính minh
bạch của thông tin được công khai đó lại tùy thuộc vào mục đích và sự “tử tế” của
doanh nghiệp.
Hiện nay, quy định yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải công bố nội dung
doanh nghiệp điều chỉnh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia[3], đã được triển khai và đưa
vào hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, khi doanh nghiệp yêu cầu công bố
thông tin, thông tin doanh nghiệp điều chỉnh sẽ được mã hóa và đăng tải trên Cổng
thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Do vậy, khối thông tin của doanh nghiệp
trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia là thông tin gốc, chính thống,
có tính pháp lý và cập nhật về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, đảm bảo
tính minh bạch của thông tin doanh nghiệp, mà bản thân doanh nghiệp đó không thể
điều chỉnh theo hướng có lợi cho mình được.
Đối với đối tác
Là nhằm phần nào hiểu rõ về đối
tác trước khi đưa ra quyết định hợp tác
Đối với mỗi đối tác, việc ký kết hợp đồng hoặc hợp tác đầu tư với doanh
nghiệp là một vấn đề quyết định đến việc thành công hay thất bại trong kinh
doanh. Bởi vậy, việc hiểu rõ về doanh nghiệp trước khi quyết định ký kết hợp đồng
hoặc hợp tác là điều tối quan trọng của mỗi đối tác.
Thông tin doanh nghiệp nào mà đối tác cần phải biết? Thông tin đầu tiên và tối quan trọng là tình
trạng pháp lý của doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp đang hoạt động bình thường,
tạm ngưng hoạt động hay đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc
phá sản, tiếp đến là các thông tin liên quan đến quy mô vốn điều lệ, người đại
diện theo pháp luật hiện tại, cơ cấu tổ chức, loại hình doanh nghiệp và các
thông tin khác.
Đối tác có thể tìm kiếm thông tin doanh nghiệp ở đâu? Thông thường, đối tác có thể tìm kiếm thông tin
qua các kênh sau: (i) trên trang tìm kiếm thông thường như google, yahoo
search,...v.v; (ii) nhờ sự hỗ trợ của công ty tìm kiếm thông tin doanh nghiệp; (iii)
liên hệ với Phòng đăng ký kinh doanh địa phương; và (iv) Cổng thông tin đăng ký
doanh nghiệp quốc gia được xem là một kênh thông tin doanh nghiệp đáng tin cậy,
cập nhật và minh bạch nhất hiện nay.
Do vậy, doanh nghiệp cần phải công bố thông tin doanh nghiệp khi điều chỉnh
với tính minh bạch cao nhất, để các đối tác tiết kiệm được thời gian tìm kiếm
và nhanh chóng có được đầy đủ thông tin doanh nghiệp của doanh nghiệp trước khi
đưa ra quyết định hợp tác đồng thời cũng tạo được niềm tin với các đối tác ngay
từ ấn tượng ban đầu.
Đối với Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp
Là nhằm phục vụ công tác hoạch định các chính sách kinh
tế vĩ mô
Với sứ mạng là cơ quan quản lý, hoạch định và cải cách các thủ tục hành
chính liên quan đến doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh được xem
như là “thuyền trưởng” hoạch định và hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động kinh
doanh trong môi trường công khai và minh bạch nhất. Để Cục Quản lý đăng ký
kinh doanh làm tròn được sứ mạng của mình, điều cần thiết là phải có sự tương
tác và hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp, trong đó có
vấn đề về công bố thông tin doanh nghiệp khi điều chỉnh. Do vậy, nếu doanh nghiệp
nghiêm túc thực hiện thủ tục công bố thông tin doanh nghiệp khi điều chỉnh trên
Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh
doanh sẽ có đủ cơ sở dữ liệu và thông tin cần thiết để phân tích, nghiên cứu để
đưa ra các chính sách, chiến lược kinh tế vĩ mô kịp thời và chính xác nhằm hỗ
trợ tối đa cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Tạo nguồn thu cho Cơ quan quản lý
doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước
Theo quy định,[4] doanh nghiệp khi có công bố
thông tin doanh nghiệp khi điều chỉnh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp
quốc gia sẽ phải trả mức phí 300.000 đồng/lần đăng. Với số lượng các doanh nghiệp
lớn như hiện nay, khoản phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp này tương đối
lớn, trong đó, Cơ quan quản lý doanh nghiệp được quyền giữ lại một tỷ lệ nhất định
để trang trải cho công tác công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và thu phí và
phần còn lại được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp
quốc gia – có gì ưu việt?
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia là một trang thông tin điện tử
có thể hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp trực tuyến, kiểm tra tên doanh nghiệp, rà
soát, hiệu đính thông tin đăng ký kinh doanh và các dịch vụ cung cấp thông tin
doanh nghiệp và đăng bố cáo doanh nghiệp, đồng thời, là nơi tiếp nhận các phản
hồi, kiến nghị, khiếu nại từ các doanh nghiệp đối với công tác đăng ký doanh
nghiệp trên phạm vi cả nước, để từ đó có những điều chỉnh chính sách và nội
dung quản lý nhà nước cho phù hợp với thực tiễn hơn. Hơn thế nữa, Cổng thông
tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia còn giúp các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân
có nhu cầu được tiếp cận với khối thông tin của các doanh nghiệp trên khắp cả
nước một cách chính thống và cập nhật nhất về tình trạng pháp lý của mỗi doanh
nghiệp, góp phần nâng cao tính công khai và minh bạch về thông tin doanh nghiệp.
Với những lợi ích của việc công bố thông tin doanh nghiệp không chỉ cho
chính bản thân doanh nghiệp mà còn cho các đối tác và Cơ quan quản lý doanh
nghiệp, cùng với những tiện ích ưu việt
của Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia sẵn có, hy vọng rằng trong thời
gian sắp tới việc công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp khi điều chỉnh được
các doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc nhằm tạo một môi trường kinh
doanh công khai và minh bạch đáp ứng được xu thế phát triển chung của nền kinh
tế thị trường, trong đó thông tin đóng vai trò then chốt.
[2] Khoản 1 và 2, Điều 22,
Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư
[3] Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 05/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm
2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành
chính của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về
đăng ký doanh nghiệp
[4] Khoản 5, Điều 1, Nghị
định số 106/2013/TT-BTC ngày 09 tháng 08 năm 2013 của Bộ Tài chính về sửa đổi,
bổ sung Thông tư số 176/2012/TT-BTC ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính
quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp,
đăng ký hộ kinh doanh và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp
TẠi Việt Nam muốn thay đội thông tin của doanh nghiệp hoặc công ty rất khó khăn và tốn cực kỳ nhiều thời gian...
Trả lờiXóathành lập công ty tnhh | thành lập công ty cổ phần