Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Luât đầu tư 2014 – Tiến và Lùi



LUẬT ĐẦU TƯ 2014 – TIẾN VÀ LÙI

Luật sư Trần Thanh Tùng
Công ty Luật Phuoc & Partners



Luật Đầu tư 2014 (LĐT 2014) được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 thay thế cho Luật Đầu tư 2005 (LĐT 2005) hiện hành. So với LĐT 2005, LĐT 2014 tinh thần có thoáng hơn, phạm vi điều chỉnh rõ ràng hơn. Dù vậy, vẫn đâu đó còn một sự lưỡng lự giữa sự mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài củng với việc bảo hộ đầu tư trong nước, giữa quyền quản lý của Nhà nước và quyền tự do đầu tư của nhà đầu tư.

Luật Đầu tư chỉ quản lý dự án

Một trong những vướng mắc lớn nhất của LĐT 2005 là tình trạng chồng lần, dẫm chân lên Luật Doanh nghiệp. Theo quy định của LĐT 2005, trong trường hợp thực hiện dự án đầu tư gắn với việc thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) bao gồm cả nội dung đăng ký kinh doanh và đăng ký doanh nghiệp. Khi đó, GCNĐT cũng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp rơi vào tình trạng một cổ hai tròng, vừa phải tuân thủ LĐT vừa phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, LĐT 2014 đã tách nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp ra khỏi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) mà hiện nay được gọi là GCNĐT), và chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư, còn việc thành lập doanh nghiệp sẽ do Luật Doanh nghiệp điều chỉnh. Do vậy, GCNĐKĐT giờ đây chỉ ghi nhận thông tin về dự án đầu tư mà thôi.[1]

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Đăng ký thay đổi giấy phép theo yêucầu của tòa án – đường đã mở cho những giao dịch chứng khoán phái sinh?

Đăng ký thay đổi giấy phép theo yêucầu của tòa án
– đường đã mở cho những giao dịch chứng khoán phái sinh?

Trần Thanh Tùng –Ngô Nhật Minh
Công ty Luật Phuoc & Partners

Một vụ việc thực tế

Quỹ đầu tư nọ đã cho một công ty cổ phần vay tiền để mua tài sản cố định. Do bên vay không có tài sản thế chấp, quỹ đồng ý cho vay không đảm bảo nhưng nếu đến hạn trả nợ mà bên vay không thể hoàn trả tiền vay, khoản nợ sẽ được chuyển thành cổ phần của bên cho vay trong bên vay. Tuy nhiên, đến hạn, bên vaykhông trả nợ nhưng cũng không tiến hành thủ tục để chuyển khoản vay thành cổ phần như đã thỏa thuận. Bên cho vay buộc phải khởi kiên bên đi vay tại trọng tài thương mại theo thỏa thuận hợp đồng vay. Căn cứ theo hợp đồng, trọng tài buộc bên vay phải thực hiện hợp đồng, tức là phải chuyển khoản vay thành cổ phần cho bên cho vay.

Phán quyết sau đó được chuyển cho cơ quan thi hành án nhưng cơ quan thi hành án “bó tay”, không thể thi hành được phán quyết này. Lý do là Luật doanh nghiệp 2005 không có cơ chế cho việc đăng ký thay đổi GCNĐKDN theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài. Do vậy, việc thay đổi GCNĐKDN sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp, tức là bên vay trong trường hợp này. Nếu bên vay không có thiện chí trong việc tự đăng ký việc hoán đổi nợ thành cổ phần thì bên cho vay, cơ quan thi hành án và cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không thể ép bên vay phải làm. Kết quả là bên cho vay “thắng” trên giấy nhưng “thua” trên thực tế vì không thể chuyển đổi khoản nợ thành cổ phần nhưng cũng không thể lấy lại tiền vay (vì phán quyết đã có hiệu lực pháp luật).