Chủ doanh nghiệp - thời gian bị lãng phí
(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phước & Partners”)
Con người chúng ta, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày, dù bạn có giàu có nhất thế giới như Bill Gates hay nghèo rớt mùng tơi như Chí Phèo thì quỹ thời gian cũng như nhau thôi. Do đó, việc bạn sử dụng quỹ thời gian trời cho này sao cho hợp lý để giúp cho không chỉ bản thân mà còn cho cả gia đình bạn được hạnh phúc là cả một nghệ thuật sống.
Nếu bạn là công chức nhà nước hay nhân viên làm công ăn lương chỉ làm việc 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần thì thời gian rảnh có thể còn nhiều chứ nếu bạn là chủ doanh nghiệp thì đôi khi phải mất 12 giờ/ngày và 7 ngày/tuần cho công việc kinh doanh cũng là chưa đủ. Chưa kể thậm chí trong lúc nghỉ ngơi nhưng đầu óc, tâm trí của bạn không thể thoát ra khỏi những suy nghĩ về công việc kinh doanh. Lại cần phải có 6-8 giờ để ngủ và 2-3 tiếng để ăn nữa chứ, tính đi tính lại chỉ còn được vỏn vẹn 2-3 tiếng đồng hồ cho các việc riêng tư cho bản thân và gia đình. Do đó, thời gian của chủ doanh nghiệp nói chung có thể coi là rất quý báu.
Phiền toái mọi lúc, mọi nơi
Tuy nhiên, từ lúc sáng sớm bước chân ra khỏi nhà đi làm thì chủ doanh nghiệp đã gặp rất nhiều phiền phức, mất thời gian. Đường đi đến chỗ làm thì kẹt xe, có khi cả tiếng đồng hồ mới đến được nơi làm việc. Vào chỗ làm rồi và mở máy vi tính lên thì bị khủng bố bởi thư rác (junk mail) từ các quảng cáo, tiếp thị trực tuyến vô bổ; các file power point hướng dẫn cách sống; các lời kêu gọi từ thiện cho gia đình này, cá nhân kia gởi đến đọc và xóa luôn tay mà không kịp. Nếu sử dụng skype, yahoo messenger, Facebook cho mục đích công việc thì chủ doanh nghiệp cũng liên tục bị phiền hà vì cứ vài phút là có tin nhắn, liên quan đến công việc thì ít còn việc trời ơi thì nhiều, nhiều người muốn làm quen, kết bạn, kết nối, cập nhật thông tin, hỏi thăm sức khỏe, tán gẫu, vv và vv.
Còn máy điện thoại di động thì ôi thôi suốt ngày, bất kể thời gian làm việc hay nghỉ ngơi cứ 5-10 phút lại làm bạn mất tập trung vì các tin nhắn rác vô bổ đại loại như: (i) mời chào mua đất dự án này, căn hộ chung cư kia ở Quận 2, Đồng Nai, Bình Dương,…; (ii) mời gọi cho vay ưu đãi của ngân hàng này, công ty bảo hiểm nọ; (iii) mời gọi tải nhạc chuông điện thoại, tham gia dự đoán kết quả xổ số may mắn, tử vi bói tên hay tìm bạn bốn phương 9xxxx; (iv) thông báo số dư tài khoản ngân hàng của bạn; (v) thông báo hay mẹo sử dụng điện thoại di động của bạn; (vi) tin nhắn “chat” của bạn bè; (vii) thông báo các điểm khuyến mãi của các ngân hàng có cấp thẻ tín dụng.
Chưa hết, nếu bạn là chủ doanh nghiệp và số điện thoại của bạn được lưu trong các danh bạ, niên giám điện thoại, hay bạn là hội viên của các câu lạc bộ kinh doanh (ví dụ như hội doanh nghiệp trẻ thành phố, Câu lạc bộ 2030 v.v) mà thông tin cá nhân của bạn đã được cung cấp cho các câu lạc bộ này thì rất có khả năng là điện thoại của bạn phải hứng chịu hàng chục cú điện thoại hàng ngày từ đủ mọi đối tượng trong xã hội từ: (i) các cô nhân viên phục vụ khách hàng của các khách sạn 4-5 sao rỉ rả mời bạn tham dự thẻ hội viên khách sạn để được tập thể dục, ăn uống, lưu trú trong hệ thống khách sạn của họ với giá ưu đãi dù bạn rất ít khi sử dụng các loại dịch vụ này; (ii) nhiều đại lý của nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ khác nhau mời chào bạn mua bảo hiểm cho gia đình dù bạn đã mua đủ thứ bảo hiểm cho bản thân và gia đình rồi; (iii) các nhân viên bán hàng của các công ty môi giới bất động sản rủ rê bạn mua các chung cư dự án đang triển khai với giá hời dù bạn đã quá chán ngán với nó; (iv) các nhân viên phục vụ khách hàng của các ngân hàng rủ rê cho bạn vay tiền tiêu dùng hay mở thẻ tín dụng ngân hàng họ dù có thể là bạn chẳng có yêu cầu nào; (v) các nhân viên tiếp thị sách mời gọi bạn mua sách học cho con cái của bạn dù có khi bạn chưa lập gia đình hay chưa có con; (vi) các đại lý bán hàng đa cấp chèo kéo bạn làm đại lý thứ cấp cho họ để nhận tiền hoa hồng đại lý dù bạn đã không còn đủ thời gian để thở nữa chứ đừng nói gì làm thêm ; và (viii) vô số thứ hằm bà lằng phiền toán khác nữa phải mang vào thân nữa.
Hơn thế nữa, nếu bạn là chủ nhân các số điện thoại số đẹp như dạng ngũ quí, lục quí, thất quí 6, 8 và 9 còn bị thường xuyên bị quấy rối tình dục nữa, thậm chí còn bị những chủ thuê bao quá rảnh rỗi thời gian cứ nhá máy liên tục 5-3 bận, không bắt máy thì chuông cứ reo vô tư, mà hễ bắt máy thì đầu dây bên lại vội ngắt cuộc gọi, sau đó lại gọi lại nhá máy.
Có giải pháp kỹ thuật nào không?
Dù bạn có cài đặt chế độ lọc tự động tin rác trên máy vi tính để hạn chế việc nhận tin rác, tin rác vẫn có cách thoát được bức tường lửa của bạn, cùng tồn tại và song hành hàng ngày với bạn dù bạn có muốn hay không. Với skype, yahoo messaenger hay facebook thì bạn có thể để ở chế độ offline hay chế độ đừng làm phiền để hạn chế một phần nào đó các tin nhắn không cần thiết.
Tuy nhiên, đối với điện thoại thì càng khó hơn, dù bạn có thành thạo chức năng chặn cuộc gọi hoặc luôn để máy ở chế độ không rung, không chuông (thỉnh thoảng bỏ ra xem, số nào quen thì gọi lại) thì cũng hết sức bất tiện do điện thoại là phương tiện liên lạc phổ biến hiện nay và là công cụ để làm ra tiền cho doanh nghiệp nên bạn không thể sử dụng theo cách cố ý từ chối cuộc gọi như thế. Các nhà cung cấp dịch vụ đầu số thì lại cho biết là việc khai thác các đầu số là công việc của các công ty đối tác chứ không phải của nhà cung cấp dịch vụ đầu số. Bên cạnh đó, hầu hết các tin nhắn quảng cáo hàng loạt được gửi đi từ một số di động cá nhân nên rất khó trong việc kiểm soát. Tuy nhiên, các nhà mạng cũng có gợi ý phương án hạn chế tình trạng này bằng cách đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để chặn liên lạc hoặc cài đặt các phần mềm chặn số trên điện thoại. Tuy nhiên, các thụ tục này rất mất thời gian và nhiêu khê dẫn đến là khó có ai có thể nhẫn nại thực hiện các thủ tục này.
Có giải pháp pháp lý nào không?
Theo các quy định hiện hành thì với tư cách người tiêu dùng, dĩ nhiên bạn có quyền khiếu nại đến người cung cấp dịch vụ để đề nghị chấm dứt những hành vi cung cấp dịch vụ ngoài mong muốn. Trong trường hợp nếu như người cung cấp dịch vụ không đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì người tiêu dùng có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, có quá nhiều người cung cấp dịch vụ loại này, dẹp cái này thì mọc cái kia, làm sao làm cho xuể.
Về chế tài, theo quy định của Nghị định số 90 của Chính phủ năm 2008 đối với hành vi vi phạm quy định về gửi thư rác có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 40 triệu đồng, nhưng trong thực tế thì không có nhiều người bị phạt về vấn đề này.
Với thực trạng trên càng thấy việc quản lý thời gian làm việc và nghỉ ngơi một cách có hiệu quả là một việc làm khó khăn cho các chủ doanh nghiệp. Điều này càng trở nên khó khăn hơn xét từ các yếu tố khách quan khi hiện nay, tại các thành phố lớn của Việt Nam có rất nhiều dịch vụ cộng thêm nở rộ nhưng các quy định của pháp luật về chế tài đối với các vi phạm trong việc lạm dụng dịch vụ gây phiền hà cho người sử dụng là không nhiều hoặc nếu có thì cũng khó thực thi trên thực tế. Vậy, là chủ doanh nghiệp, bạn phải làm gì đây trong vòng bủa vây của các phiền toái không đáng có này? Chính phủ cần phải có biện pháp chế tài quyết liệt hơn, ý thức người dân, doanh nghiệp phải được nâng cao hơn nữa thì mới mong dẹp được vấn nạn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét