Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Công ty luật, văn phòng luật sư Việt Nam – sáp nhập để tồn tại, tại sao không!

Công ty luật, văn phòng luật sư Việt Nam – sáp nhập để tồn tại, tại sao không!


      Từ giữa năm 2005 và hai năm tiếp theo 2006 và 2007, có thể nói đây là thời kỳ đại lợi, kiết tường cho ngành dịch vụ pháp lý nói chung và các công ty luật trách nhiệm hữu hạn, văn phòng luật sư Việt Nam (“Công ty, Văn phòng Luật Việt Nam”) nói riêng. Trong thời kỳ này, lượng vốn đầu tư nước ngòai đổ vào Việt Nam tăng chưa từng có cộng với mức tăng trưởng kinh tế ngọan mục của Việt Nam trên 8% hàng năm, đồng thời với việc nhà nước tiếp tục cho dịch vụ tư vấn pháp luật được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạo điều kiện vàng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ tư vấn pháp lý.


Thành lập công đoàn cơ sở có cần thiết cho doanh nghiệp không?

Thành lập công đoàn cơ sở có cần thiết cho doanh nghiệp không?
(Lạc Thị Tú Duy và Ls Nguyễn Hữu Phước)
Từ trước tới nay, tâm lý chung của chủ doanh nghiệp (“DN”) có vốn đầu tư nước ngoài và DN dân doanh là ngán ngại việc thành lập công đoàn cơ sở (“CĐCS”) ở đơn vị mình. Theo họ, hoạt động CĐCS vừa tốn kém về thời gian, nhân lực, vừa gây phiền hà, rắc rối, lại còn phải đóng đoàn phí bằng 1% trên tổng quỹ tiền lương, tiền công của DN (“NLĐ”)[1] (trong khi đó CĐCS được thành lập nhằm mục đích chính là để bảo vệ lợi ích cho NLĐ, đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi buộc NSDLĐ phải tuân thủ pháp luật lao động liên quan tới quyền, lợi ích cũng như cách “đối xử” với NLĐ.vv). Do đó, các chủ DN thường tránh né việc thành lập CĐCS, hoặc nếu phải thành lập thì CĐCS cũng chỉ hoạt động một cách có hình thức, không hiệu quả. Ông Nguyễn Huy Cận - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, từng nhận định rằng “trong số các CĐCS chỉ có khoảng 50% gọi là biết hoạt động chứ chưa dám nói là mạnh. Số hoạt động có hiệu quả chỉ chừng 30%[2].

Trốn Thuế Hay Tránh Thuế

Trốn Thuế Hay Tránh Thuế
(Ls Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Partners)

Nếu có thời gian đọc báo, xem truyền hình trong nước, chúng ta thường đọc, thấy nhiều bài viết, phóng sự đề cập đến các tổ chức này, cá nhân kia bị phát hiện trốn thuế. Tùy theo mức độ nghiêm trọng và số tiền trốn thuế mà họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 161, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự năm 1999 (“BLHS”) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010.

Bảy Bước Cần Thiết Để Bảo Vệ Tài Sản Và Gia Đình

Bảy Bước Cần Thiết Để Bảo Vệ Tài Sản Và Gia Đình 
Luật sư Nguyễn Hữu Phước
Công ty luật Phuoc & Partners
www.phuoc-partners.com 

Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quan niệm của đạo Phật về bốn khổ ải mà con người ai cũng trải qua trong cuộc đời. Đó là quy luật của tự nhiên, cái chết không loại trừ ai cho dù chúng ta là nhà vua hay chỉ là dân thường. Mặc dù theo văn hóa Á Đông nói chung, đa số chúng ta thường tránh né, không muốn bàn bạc hoặc chuẩn bị trước cho cái chết của mình, nhưng thật sự đó là điều cần phải thực hiện. Nếu chúng ta chết mà được ma chay đàng hoàng, chôn cất tử tế, tài sản để lại được giao đúng cho người chúng ta muốn giao phó, biết bảo quản, duy trì và phát triển nó; con cái chúng ta được an toàn về tài chính để có thể học hành tới nơi, tới chốn, thành đạt thì hạnh phúc biết bao. Tuy nhiên, trong thực tế, sự việc đôi khi không diễn ra tốt đẹp như vậy. Có rất nhiều trường hợp con cái không biết xử lý thế nào với khối tài sản cha mẹ để lại vì cha mẹ chết không để lại di chúc và phải lôi nhau ra tòa để phân chia tài sản; người giám hộ lợi dụng khối tài sản để lại để phục vụ cho mục đích riêng, hay con cái không thể tìm được các giấy tờ sở hữu tài sản để làm thủ tục thừa kế hoặc phung phí làm cho khối tài sản bị chia năm xẻ bảy không theo ý muốn của chúng ta trước lúc qua đời.

2% hay 25%


(Luật sư Nguyễn Hữu Phước - Công ty luật Phước & Partners)

Kể từ khi luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực ngày 01/01/2009, thuế thu nhập cá nhân (“thuế TNCN”) đã thay thế thuế chuyển quyền sử dụng đất trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản của cá nhân[1]. Liên quan tới việc thu thuế đối với hoạt động này, có nhiều vấn đề nảy sinh, trong đó có việc xác định mức thuế suất thuế TNCN khi người có bất động sản chuyển nhượng đi kê khai, nộp thuế.

Ưu đãi thuế GTGT cho dịch vụ xuất khẩu: vướng nhiều đường

(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phước & Partners)

Thuế suất ưu đãi
Trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế, Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho việc nhập khẩu dịch vụ từ nước ngoài. Trên thực tế, hoạt động nhập khẩu dịch vụ diễn ra khá mạnh ở nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hoạt động xuất khẩu dịch vụ từ Việt Nam ra nước ngoài còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân thì nhiều nhưng phần lớn tập trung ở việc chúng ta chưa tạo được niềm tin ở khách hàng về chất lượng sản phẩm dịch vụ do hạn chế về trình độ, nghiệp vụ, kinh nghiệm.

Kiểm soát chặt hơn việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài – lợi hay hại?

Kiểm soát chặt hơn việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài – lợi hay hại?
(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phước & Partners”)

            Trong công việc kinh doanh, lợi nhuận thường là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư. Chẳng ai dại gì đầu tư vào một lĩnh vực nào đó mà không tạo ra lợi nhuận hay tạo ra lợi nhuận thấp hơn mức mong đợi. Riêng đối với các nhà đầu tư nước ngoài (“NĐTNN”) tại Việt Nam thì ngoài áp lực phải đạt được lợi nhuận cao, việc khi nào được Nhà nước Việt Nam cho phép chuyển số lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam về nước để đầu tư vào các công việc kinh doanh khác hay chia cổ tức cho các cổ đông cũng không kém phần quan trọng và là một áp lực lớn cho ban điều hành.

Chín Cách Để Tránh Việc Nhân Viên Nhận Tiền Huê Hồng

Chín Cách Để Tránh Việc Nhân Viên Nhận Tiền Huê Hồng 

Luật sư Nguyễn Hữu Phước
Công ty luật Phuoc & Partners
www.phuoc-partners.com  

Để duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng ngày, doanh nghiệp thường phải mua các hàng hóa và dịch vụ từ các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ bên ngoài (“Các Nhà Cung Cấp”). Tùy theo đặc thù từng loại hàng hóa, dịch vụ mà từng phòng, ban có liên quan của doanh nghiệp sẽ đảm trách. Ví dụ, việc mua văn phòng phẩm, thiết bị văn phòng, đặt chổ máy bay, mua nước uống, mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại sẽ do phòng hành chính (admin) phụ trách hay việc mua nguyên vật liệu phục vụ cho việc sản xuất thì do mua hàng lo. Tùy theo mô hình quản lý của từng doanh nghiệp mà đôi khi phòng pháp chế (nếu doanh nghiệp có thiết lập phòng này) sẽ tham gia trong quá trình thương lượng và thực hiện hợp đồng để bảo đảm hợp đồng được soạn thảo theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong giao dịch. Phòng tài chính, kế toán cũng sẽ có thể tham gia để bảo đảm doanh nghiệp có đủ tiền để thanh toán các khoản phải trả đến hạn theo hợp đồng, việc xuất hóa đơn GTGT theo đúng quy định pháp luật và trong một số trường hợp là kiểm tra xem giá chào trên hợp đồng có phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đó hay không.

Chủ doanh nghiệp - thời gian bị lãng phí

Chủ doanh nghiệp - thời gian bị lãng phí

(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phước & Partners”)

Con người chúng ta, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày, dù bạn có giàu có nhất thế giới như Bill Gates hay nghèo rớt mùng tơi như Chí Phèo thì quỹ thời gian cũng như nhau thôi. Do đó, việc bạn sử dụng quỹ thời gian trời cho này sao cho hợp lý để giúp cho không chỉ bản thân mà còn cho cả gia đình bạn được hạnh phúc là cả một nghệ thuật sống.   
            Nếu bạn là công chức nhà nước hay nhân viên làm công ăn lương chỉ làm việc 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần thì thời gian rảnh có thể còn nhiều chứ nếu bạn là chủ doanh nghiệp thì đôi khi phải mất 12 giờ/ngày và 7 ngày/tuần cho công việc kinh doanh cũng là chưa đủ. Chưa kể thậm chí trong lúc nghỉ ngơi nhưng đầu óc, tâm trí của bạn không thể thoát ra khỏi những suy nghĩ về công việc kinh doanh. Lại cần phải có 6-8 giờ để ngủ và 2-3 tiếng để ăn nữa chứ, tính đi tính lại chỉ còn được vỏn vẹn 2-3 tiếng đồng hồ cho các việc riêng tư cho bản thân và gia đình. Do đó, thời gian của chủ doanh nghiệp nói chung có thể coi là rất quý báu.

Cấm hút thuốc lá nơi công cộng từ 01/01/2010 có khả thi không?

Cấm hút thuốc lá nơi công cộng từ 01/01/2010 có khả thi không?
(Trương Mỹ Ly & Ls Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Partners)

Hút thuốc lá từ lâu đã trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là nam giới. Việt Nam hiện là một trong những nước được thống kê là có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo số liệu điều tra của Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá quốc gia, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới tại Việt Nam là khoảng 56,1%. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng hút thuốc lá là một thói quen xấu, tốn tiền, gây ra ô nhiễm không khí, và nhất là gây nhiều bệnh tật tai hại gây chết người. Tuy vậy, nhiều người vẫn cứ hút vì ghiền hay vì thói quen (một buổi sáng lý tưởng của đàn ông là phải có ly cà phê, tờ báo và điếu thuốc). Thử nghĩ bạn là một người không hút thuốc thì thật là cực hình cho bạn khi bạn bước vào các hàng ăn, quán cà phê, nhà hàng, tiệc cưới ở các thành phố lớn ở Việt Nam, nơi hầu như lúc nào cũng ngập tràn khói thuốc đủ loại mà các ống khói ở các bàn bên cạnh hay thậm chí ngay cả tại bàn của bạn đều thi nhau xả về phía bạn một cách vô tư dù nơi đó có thể là phòng máy lạnh và/hay có biển báo cấm hút thuốc. Bạn có muốn ngăn cản cũng không được vì luật không cấm cũng như hầu như mọi chủ các hàng ăn, quán cà phê, nhà hàng, tiệc cưới đều phải chiều khách hàng như thượng đế để giữ chân khách hàng.
Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, từ lâu người ta đã thấy được tác hại của việc hút thuốc lá và đã có nhiều nước ban hành luật cấm hút thuốc nơi công cộng. Chẳng hạn như New Zealand đã thông qua Đạo Luật Sửa Đổi Môi Trường Không Khói Thuốc, Cộng Hòa Ai Len, quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm hút thuốc ở mọi nơi làm việc (và sau đó là các quán bar và nhà hàng) vào ngày 29/3/2004, Úc, Na Uy, một số tiểu bang của Mỹ (New York và California) và Canada cũng đã ban hành lệnh cấm hút thuốc ở các quán bar, câu lạc bộ và nhà hàng. Ở Vương Quốc Anh, England đã ban hành luật cấm hút thuốc lá từ ngày 01/07/2007 trong khi Scotland, Xứ Wales and Bắc Ailen đã ban hành lệnh tương tự có hiệu lực từ trước đó.  Tại một số nước như Pháp và Nga, lệnh cấm đã được ban hành sớm hơn mà theo đó chỉ cho phép các khu vực được hút thuốc trong nhà hàng, cũng như thiết lập những phòng đặc biệt dành riêng cho những người hút thuốc tại những nơi làm việc (mặc dù nhiều người sử dụng lao động không muốn phát sinh chi phí xây dựng và duy trì các phòng đặc biệt như vậy, và để cho nhân viên ra bên ngoài văn phòng hút thuốc).    
Còn ở Việt Nam, nếu như mọi chuyện xảy ra theo đúng kế hoạch của Chính phủ thì những người hút thuốc sẽ phải dần dần phải từ bỏ thói quen hút thuốc khó bỏ của mình bởi vì theo Lộ trình thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá quy định tại Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá ban hành kèm theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, việc hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng sẽ bị nghiêm cấm hoàn toàn kể từ ngày 01/01/2010.
Riêng đối với các nơi công cộng trong nhà như: nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng và khu vui chơi giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường thì chỉ được phép hút thuốc tại khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá; những nơi dành riêng cho người hút thuốc cần có bộ phận thông khí riêng biệt. Bản kế hoạch cũng quy định thêm rằng sẽ tiến tới việc cấm hút thuốc tại tất cả những nơi công cộng trong nhà trong năm 2010. Chế tài xử phạt sẽ được siết chặt đối với những người có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Như vậy, trước mắt những nơi công cộng trong nhà chẳng hạn như các nhà hàng, khách sạn sẽ phải được quy hoạch, sắp xếp lại thành một khu vực riêng phục vụ cho người hút thuốc và một khu vực riêng dành cho những người không hút thuốc. Song song đó, các nhà hàng, khách sạn cũng cần phải treo các biển báo cấm hút thuốc lá và nêu rõ mức phạt nếu vi phạm tại những nơi dễ quan sát như trước cửa lối ra vào, dọc hành lang, trước cửa thang máy. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là những người chủ các nơi này đã có các bước chuẩn bị gì (kinh phí, diện tích, nhân lực) phục vụ cho việc thiết lập các khu vực dành riêng phục vụ cho người hút thuốc lá trước thời điểm 01/01/2010 chưa?
Tuy nhiên, dù có quy định trên thì những người không hút thuốc lá vẫn cảm thấy hồ nghi về hiệu quả của việc thực thi Quyết định 1315/QĐ-TTg bởi vì đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam ban hành quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Trước đó, theo Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14/8/2000 của Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá trong giai đoạn 2000-2010, có quy định “không hút thuốc lá trong các cuộc họp, trụ sở cơ quan, các cơ sở y tế, trường học, nhà trẻ, rạp chiếu bóng, nhà hát, trên các phương tiện giao thông công cộng, những nơi tập trung đông người”.[1] Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg ngày 10/5/2007 về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã quy định: “Nghiêm cấm hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà; nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng …. coi hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá là hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và nơi công cộng[2]. Điều 16 của Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ cũng đã quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào nơi công cộng. Thế nhưng hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn tràn lan, không kiểm soát nổi. Đến nay, vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào tại Việt Nam về lượng người bị phạt do vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Phải chăng chế tài xử phạt này chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe và/hoặc Việt Nam thiếu lực lượng của Nhà nước thực thi chế tài này dẫn đến việc tính răng đe chế tài không đủ?

Việt Nam đã tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới và đã xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện Công ước này. Để việc cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng được thực hiện triệt để, đã đến lúc phải đưa ra những biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn như: tăng nhiều hơn nữa các mức phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, quy định bổ sung việc xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm cả việc rút giấy phép kinh doanh) đối với ban quản lý những nơi công cộng nếu để xảy ra tình trạng hút thuốc lá tại đây mà không có biện pháp nhắc nhở, cấm đoán nghiêm khắc.
Người xưa có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện., người xưa gặp nhau thì thường mời miếng trầu, còn ngày nay thì thường mời điếu thuốc. Miếng trầu hay điếu thuốc là cách xã giao để mở đầu câu chuyện theo phong tục tập quán của Việt Nam còn mãi cho đến tận ngày nay. Do đó, ý thức tự giác chấp hành quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng của người dân Việt Nam chưa cao và thậm chí ở một số nơi nhất là ở vùng quê còn coi đó là lễ nghi xã giao tối thiểu phải có. Do đó, việc thực thi chế tài của nhà nước như hiện nay là còn quá nhẹ và lỏng lẻo. Vì vậy, cần phải quy định cụ thể hơn về lực lượng chuyên trách có trách nhiệm xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Theo quy định tại Nghị định số 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng được giao cho thanh tra viên chuyên ngành về vệ sinh. Tuy nhiên, dường như lực lượng này còn quá mỏng, khá dàn trải. Nên chăng, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan khác xây dựng những tổ công tác chuyên ngành chuyên xử lý những hành vi vi phạm về hút thuốc lá nơi công cộng để lệnh cấm này có hiệu quả hơn.
Việt Nam đã khá thành công đối với việc quy định yêu cầu tất cả những người dân khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm để giảm tai nạn giao thông trong vài năm vừa qua dù ban đầu cũng gặp khá nhiều chỉ trích. Thiết nghĩ, nếu Chính phủ có các chính sách rõ ràng, lực lượng tuyên truyền đúng lúc, kịp thời và lực lượng thực thi đồng bộ, quyết liệt, chúng ta cũng sẽ thành công trong việc hạn chế và dẫn đến cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá tại những nơi công cộng và những nơi công cộng trong nhà được phép hút thuốc để giảm các ca bệnh liên quan đến hút thuốc lá, giảm ô nhiễm không khí, giảm chi tiêu của người dân dành cho thuốc lá.





[1] Khoản 1(e), phần II, Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP
[2] Khoản 2(a), phần I, Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg

Cuộc Chơi Chưa Bình Đẳng (Phần 2)

Cuộc Chơi Chưa Bình Đẳng (Phần 2)
(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phước & Partners)


Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25/03/2008 và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 46/2011/NĐ-CP ngày 17/06/2011 siết chặt hơn nữa việc tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài (“NLĐNN”) làm việc tại Việt Nam nhằm mục đích tăng việc làm, tạo cơ hội chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, nghiệp vụ cho người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh và văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài tại Việt Nam nói riêng vẫn có khuynh hướng tiếp tục tuyển dụng NLĐNN làm việc cho họ tại Việt Nam mặc dù một số vị trí công việc người lao động Việt Nam có thể đảm trách.

Có một vài lý do cho khuynh hướng này. Một trong số đó là có một số vị trí quản lý, kỹ thuật trong doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong một số ngành, nghề còn mới hay chưa phổ biến ở Việt Nam mà thực tế là người lao động Việt Nam chưa thể đảm trách được. Một lý do khách quan khác là sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ giao tiếp mà một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Việt Nam có khuynh hướng thích tuyển dụng người của quốc gia họ (chẳng hạn người Nhật thường thích làm việc với người Nhật). Một lý do khác nữa cũng không kém phần quan trọng là khuynh hướng sính ngoại của một số doanh nghiệp Việt Nam, muốn thuê một vài “ông tây” vào làm việc cho công ty thêm phần hoành tráng. Qua bài viết này, tác giảcũng muốn giới thiệu thêm một lý do nữa đó là trong một số trường hợp chi phí thuế và bảo hiểm có liên quan đến việc thuê NLĐNN lại rẻ hơn chi phí tương tự phải trả cho việc thuê mướn người lao động Việt Nam! 

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) và các văn bản hướng dẫn hiện hành thì bất kỳ người Việt Nam hay người nước ngoài nào mà có thu nhập chịu thuế đều phải đóng thuế TNCN theo các biểu thuế giống nhau. Thoạt nghe thì có vẻ như Luật Thuế TNCN bình đẳng hơn so với Pháp lệnh Thuế thu nhập dành cho người có thu nhập cao trước đây khi Pháp lệnh đã áp dụng hai biểu thuế khác nhau cho người nước ngoài và người Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế thì Luật Thuế TNCN cũng lại có một số điều khoản ưu ái hơn cho NLĐNN. Đó là một số loại thu nhập từ tiền lương, tiền công của NLĐNN sẽ không phải tính vào thu nhập chịu thuế, bao gồm khoản trợ cấp chuyển vùng một lần, khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ cho NLĐNN về phép mỗi năm một lần, tiền học phí cho con của NLĐNN học tại Việt Nam theo bậc học phổ thông do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ[1] hay một số khoản thu nhập dù bị chịu thuế nhưng lại theo mức thu nhập thấp hơn mức thu nhập thực tế mà họ nhận được (đó là tiền thuê nhà mà đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ sẽ phải chịu thuế ở mức tối đa bằng 15% của tổng thu nhập chịu thuế bất kể khoản tiền thuê nhà phải trả là bao nhiêu)[2].
Bên cạnh đó, Luật Thuế TNCN cũng có sự phân biệt trong cách đánh thuế TNCN giữa “cá nhân cư trú” và “cá nhân không cư trú”. Trong khi cá nhân cư trú đóng thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần (từ mức 5% đến 35%) trên thu nhập toàn cầu thì cá nhân không cư trú chỉ phải đóng thuế theo mức thuế suất 20% đối với các khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Khái niệm “cá nhân cư trú” được định nghĩa là những người có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau: (i) Có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú; hoặc (ii) có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của hợp đồng thuê từ 90 ngày trở lên trong năm tính thuế. Những người nào mà không thỏa mãn quy định trên thì được coi là cá nhân không cư trú[3].

Theo tiêu chí trên thì tuyệt đại đa số người Việt Nam đều được xem là cá nhân cư trú vì họ thường có một nơi ở đăng ký thường trú tại Việt Nam trong khi NLĐNN thì thông thường sẽ xét vào tiêu chí trên để xác định xem họ là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú của Việt Nam. Do NLĐNN được xét để đóng thuế theo một trong hai phương thức đánh thuế khác nhau nên nếu thu nhập từ tiền lương, tiền công của họ càng cao thì họ càng có khuynh hướng muốn đóng thuế theo mức cố định là 20% trên thu nhập phát sinh tại Việt Nam như là cá nhân không cư trú hơn là với tư cách cá nhân cư trú khi phải đóng thuế theo mức thuế lũy tiến từng phần mà mức cao nhất lên đến 35% thu nhập toàn cầu của họ. Đây cũng là một lợi thế nữa cho phép NLĐNN tính toán để chọn tư cách pháp lý về thuế để giảm thiểu số thuế phải đóng tại Việt Nam trong khi người lao động Việt Nam trong đa số các trường hợp lại không có quyền chọn lựa này.  

Cũng dựa vào tiêu chí cá nhân không cư trú, một số NLĐNN cố gắng thương lượng với đơn vị sử dụng lao động để tách hợp đồng lao động của họ thành hai hợp đồng nhỏ, một phần nhỏ thu nhập (một con số tương đối hợp lý) được ghi vào hợp đồng lao động mà họ ký với đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam và một phần lớn thu nhập trong một hợp đồng lao động khác mà họ sẽ ký với công ty mẹ ở nước ngoài. Họ cũng sẽ cố gắng lưu lại Việt Nam không quá 183 ngày trong một năm dương lịch bằng việc bay đi, bay về làm việc giữa công ty mẹ ở nước ngoài và công ty con tại Việt Nam. Vì thế, họ sẽ được xem như là cá nhân không cư trú của Việt Nam và chỉ có phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam (phần nhỏ) phải chịu thuế tại Việt Nam.

Ngoạn mục hơn, nếu NLĐNN là cá nhân cư trú của một trong những nước đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam (“Hiệp Định”) (Việt Nam hiện nay đã ký Hiệp Định với hơn 60 quốc gia) thì theo quy định trong đa số các Hiệp Định, tiền công do một đối tượng cư trú của một nước ký kết Hiệp định (ví dụ như Singapore) thu được từ lao động làm công tại nước ký kết kia (ví dụ như Việt Nam) sẽ chỉ bị đánh thuế tại Singapore mà thôi nếu – (i) người nhận tiền công có mặt tại Việt Nam trong một thời gian hay nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong năm dương lịch; và (ii) đơn vị sử dụng lao động không phải là đối tượng cư trú tại Việt Nam; và (iii) số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc một cơ sở cố định mà đơn vị sử dụng lao động có tại Việt Nam. Vậy nên, một số NLĐNN sẽ cố gắng không lưu lại Việt Nam quá 183 ngày trong một năm dương lịch cũng như đơn vị sử dụng lao động cố gắng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đồng thời với việc công ty mẹ ở nước ngoài chịu chi phí tiền lương để thu nhập từ tiền lương, tiền công của NLĐNN không phải chịu thuế TNCN tại Việt Nam.

Cũng có một vài trường hợp do mức thuế TNCN của Việt Nam khá cao so với một số nước trong khu vực chẳng hạn như Singapore, đơn vị sử dụng lao độngNLĐNN sẽ thương lượng để tách khoản tiền lương, tiền công của NLĐNN thành hai phần là tiền lương và tiền thưởng (có thể gọi là tiền thưởng nhận việc mới hay tiền thưởng hoàn thành công việc). Tiền lương, theo đó, sẽ được kê khai và trả thuế đầy đủ tại Việt Nam nhưng khoản tiền thưởng thì không trả cho NLĐNN trong thời gian đang làm việc tại Việt Nam mà sẽ trả trước khi họ đến Việt Nam nhận công việc (tiền thưởng nhận việc mới) hoặc là chờ cho đến khi NLĐNN rời Việt Nam về làm việc lại cho công ty mẹ ở nước ngoài rồi thì công ty mẹ mới trả (tiền thưởng hoàn thành công việc). Hàng tháng, công ty mẹ vẫn tạm ứng đều đặn cho NLĐNN một phần số tiền thưởng này vào tài khoản của họ ở nước ngoài (nhưng số tiền này không được thể hiện trong sổ sách kế toán của công ty tại Việt Nam và cũng không được khai báo cơ quan thuế của Việt Nam) . Số tiền thưởng hoàn thành công việc sẽ được chi trả sau khi NLĐNN không còn ở Việt Nam nữa và được trừ vào phần đã được tạm ứng hàng tháng trước đây và khoản tiền thưởng này có thể được xem là thu nhập không phát sinh tại Việt Nam và không phải đóng thuế tại Việt Nam mà có thể sẽ đóng thuế ở nước ngoài nơi họ là cá nhân cư trú với mức thuế thấp hơn mức thuế ở Việt Nam. Dù Bộ Tài Chính và Tổng Cục thuế Việt Nam trong các công văn hướng dẫn thuế gần đây có quy định rõ các khoản thu nhập có bản chất như vậy sẽ phải chịu thuế tại Việt Nam dù có được trả ở nước ngoài sau thời gian lao động tại Việt Nam nhưng nếu đơn vị sử dụng lao độngNLĐNN thông đồng với nhau không khai báo thì cơ quan thuế địa phương của Việt Nam cũng bó tay vì họ không có thông tin để kiểm tra tại Việt Nam và trong sổ sách kế toán của đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam lại không thể hiện các khoản chi phí tiền thưởng này. 

Ngoài thuế TNCN, còn có một thuận lợi không nhỏ khác cho đơn vị sử dụng lao động khi thuê mướn NLĐNN làm việc tại Việt NamNLĐNN không buộc phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc như người lao động Việt Nam. Mức đóng bảo hiểm xã hội[4] theo quy định cho năm 2012 là 24% mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (17% dành cho người sử dụng lao động và 7% dành cho người lao động) và 26% trong năm 2014 (18% dành cho người sử dụng lao động và 8% dành cho người lao động). Bên cạnh đó, từ năm 2009, người lao động và người sử dụng lao động còn phải đóng bảo hiểm thất nghiệp[5] là 2% (1% dành cho đơn vị sử dụng lao động và 1% dành cho người lao động). Đây thật sự không phải là một khoản chi phí nhỏ cho đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, NLĐNN cũng không buộc phải tham gia công đoàn trong doanh nghiệp nên cũng sẽ không phải đóng lệ phí công đoàn tương đương với 1% tiền lương trên hợp đồng lao động của họ[6].

Sau cùng, trong một số trường hợp mà thu nhập từ tiền lương, tiền công của NLĐNN quá cao thì đơn vị sử dụng lao động và NLĐNN còn thương lượng để NLĐNN ra nước ngoài (thường là ở các thiên đường thuế như BVI hay Carmay Island) thành lập công ty (tạm gọi là “Công ty BVI”) và công ty BVI này sẽ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ (thí dụ như hợp đồng dịch vụ tư vấn quản lý) với đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam. Theo các hợp đồng này, công ty BVI sẽ cử nhân viên của họ chính là NLĐNN vào cung cấp dịch vụ theo hợp đồng đã ký với đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam. NLĐNN này sẽ nhận tiền lương rất thấp và do đó cũng sẽ đóng thuế thấp tại Việt Nam. Số tiền phí dịch vụ mà đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam trả cho công ty BVI thường sẽ chỉ phải đóng thuế nhà thầu tại Việt Nam (mức thuế thấp) nhưng sẽ không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở BVI và có thể được chia trọn vẹn cho cho cổ đông chính là NLĐNN đó dưới hình thức là cổ tức. Nếu NLĐNN là cá nhân cư trú của Việt Nam thì chỉ phải đóng 5% thuế TNCN trên tiền cổ tức còn nếu cá nhân NLĐNN đó là cá nhân không cư trú thì số tiền cổ tức này sẽ không chịu thuế TNCN tại Việt Nam vì chúng không phải là thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Như vậy, số thuế thực tế phải trả tại Việt Nam có liên quan đến công việc làm của cá nhân NLĐNN trong ví dụ này là thấp so với thực tế nếu họ kê khai toàn bộ là tiền lương, tiền công thực chất họ được nhận cho công việc tại Việt Nam. Trong khi đó, người lao động Việt Nam không thể vận dụng “chiêu thức” này để thành lập công ty BVI vì bị vướng về quy định đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Tóm lại, từ những phân tích ở trên có thể thấy rằng nếu chi phí tiền lương, tiền công không quá chênh lệch giữa người lao động Việt Nam và NLĐNN thì chi phí thuế TNCN, bảo hiểm bắt buộc của Việt Nam sẽ là một trong những động lực thúc đẩy các đơn vị sử dụng lao động có khuynh hướng thích thuê mướn NLĐNN hơn người lao động Việt Nam. Khuynh hướng này sẽ có thể tăng cao trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam ngày càng gia tăng trong thời gian tới làm cho mức chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa Việt Nam và các nước trong khu vực càng được thu hẹp. 

Một trong những giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới là nên xem xét bãi bỏ một số khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của NLĐNN mà theo quy định hiện hành sẽ không phải tính vào thu nhập chịu thuế. Bên cạnh đó, cần xem xét giảm các mức thuế TNCN hiện hành để không tạo sự khác biệt quá lớn giữa việc trả thuế tại Việt Nam hay trả thuế tại nước ngoài. Các cơ quan thuế địa phương cũng cần yêu cầu NLĐNN nộp tờ khai thuế TNCN hàng năm của họ ở nước mà họ là công dân hay là cá nhân cư trú để đối chiếu xem có khoản thu nhập chịu thuế nào mà phải chịu thuế tại Việt Nam nhưng họ chỉ kê khai nộp thuế ở nước ngoài để có cơ sở truy thu thuế. Thêm vào đó, cần kiểm tra chặt chẽ các loại dịch vụ được các công ty từ các thiên đường thuế cung cấp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam để xem các giao dịch thực tế có phát sinh không. Hy vọng, với những biện pháp này, sẽ giúp giảm thiểu đáng kế việc tuyển dụng NLĐNN làm việc tại các doanh nghiệp tại Việt Nam.



[1] Khoản 1, Điều 1, Thông tư 62/2009/TT-BTC của Bộ Tài Chính.ngày 27/3/2009.
[2] Điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư 62/2009/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 27/3/2009.
[3] Khoản 1 và Khoản 2, Mục I, Chương A, Thông tư 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 30/9/2008.
[4] Điều 91 và 92 của Luật Bảo hiểm xã hội
[5] Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội
[6] Hướng dẫn số 862/ HD-TLĐ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ngày 1/6/2009

Cuộc Chơi Chưa Bình Đẳng (Phần 1)

Cuộc Chơi Chưa Bình Đẳng (Phần 1)
(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phước & Partners)

Trong thời gian gần đây,khá nhiều bài viết của các tác giả trong nước phân tích nguyên nhân tại sao một số nhà thầu nước ngoài (“NTNN”) thường thắng thầu các công trình xây dựng tại Việt Nam. Theo các bài báo này, một trong những nguyên nhân chính của việc này chính là do Luật Đấu Thầu của Việt Nam có quy định là dự án có vốn đầu tư của Nhà Nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển thì phải tiến hành đấu thầu[1]. Mà đã đấu thầu thì một số NTNN có nhiều khả năng thắng thầu hơn vì họ thường bỏ thầu với giá rẻ đến mức mà khó có nhà thầu trong nước nào có thể bỏ thầu rẻ hơn. Dù bỏ thầu giá rẻ như vậy nhưng họ dường như vẫn có lãi vì họ được cho là thường sử dụng các công nghệ cũ, lạc hậu hay đã hết thời gian khấu hao theo quy định, thuê mướn nhân công rẻ tại các vùng nông thôn ở nước họ, sử dụng nguyên vật liệu kém chất lượng v.v. 

Bài viết này cũng muốn đưa thêm một yếu tố nữa mà dường như cũng góp phần không nhỏ trong việc làm cho giá bỏ thầu của NTNN nói chung rẻ hơn so với giá bỏ thầu của nhà thầu trong nước. Yếu tố đó chính là phương pháp tính thuế áp dụng cho NTNN khi thực hiện các dự án xây dựng tại Việt Nam có khác hơn so với phương pháp tính thuế áp dụng cho nhà thầu trong nước.

Như chúng ta đã biết, nhà thầu trong nước muốn tham gia đấu thầu các dự án xây dựng có vốn Nhà Nước theo quy định phải là các pháp nhân được thành lập theo Luật Doanh Nghiệp hiện hành[2]. Theo quy định về thuế giá trị gia tăng (“GTGT”) và thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) của Việt Nam thì các doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam) thông thường sẽ phải đóng thuế GTGT ở mức thuế suất 10% (trừ một vài hàng hóa, dịch vụ được áp dụng mức thuế GTGT 5%) và thuế TNDN ở mức thuế suất 25% trên thu nhập chịu thuế (tức là doanh thu trừ chi phí), trừ một số doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Đây có thể được xem là cách đóng thuế GTGT và thuế TNDN duy nhất áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước. Hãy làm một ví dụ nhỏ, một doanh nghiệp trong nước trúng thầu một công trình xây dựng có vốn Nhà Nước với giá trúng thầu (bao gồm dịch vụ xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng) là 1.000 đồng + 100 đồng thuế GTGT (10%) và doanh nghiệp trong nước đó phải bỏ ra một khoản chi phí để thực hiện công việc nhận thầu là 800 đồng (bao gồm chi phí máy móc, thiết bị nguyên vật liệu (450 đồng), chi phí nhân công (200 đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (100 đồng) và các chi phí khác (50 đồng) v.v.) thì thu nhập chịu thuế TNDN của doanh nghiệp đó sẽ là 1.000 đồng – 800 đồng = 200 đồng và phải trả số thuế TNDN là 50 đồng (25%). Phần lời 150 đồng để chia cổ tức cho các thành viên góp vốn. Nếu các thành viên góp vốn/cổ đông của doanh nghiệp đó là cá nhân thì số tiến 150 đồng lãi này còn phải chịu thêm 5% thuế thu nhập cá nhân khi chia số tiền lợi tức sau thuế ấy. Vậy số tiền còn lại sau cùng mà các thành viên góp vốn/cổ đông được hưởng chỉ là 142.5 đồng.

Trong khi đó, nếu là NTNN (là một pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài) thì họ có nhiều sự chọn lựa hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Cụ thể, nếu họ muốn tạo thương hiệu và tính chuyện làm ăn lâu dài ở Việt Nam, họ có thể thành lập công ty con tại Việt Nam (subsidiary) để thực hiện dự án đã trúng thầu và công ty con của họ sẽ trở thành doanh nghiệp trong nước. Trong trường hợp đó thì sẽ không có sự khác biệt về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của công ty con so với các doanh nghiệp trong nước khác như đã nói ở trên.

Ngược lại, nếu không muốn thành lập công ty con tại Việt Nam thì NTNN sẽ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tư cách pháp lý như là một NTNN và sẽ nộp thuế nhà thầu (foreign contractor withholding tax) tại Việt Nam (thuế nhà thầu là sự kết hợp của hai loại thuế GTGT và thuế TNDN). Chi tiết hơn, việc đóng thuế nhà thầu của NTNN tại Việt Nam lại được chia ra thành ba phương pháp nhỏ và NTNN, tùy theo việc họ tự điều chỉnh để thỏa mãn các yêu cầu của pháp luật thuế, được quyền chọn lựa xem nên nộp thuế nhà thầu theo phương pháp nào mà phù hợp và có lợi cho họ nhất, cụ thể:

1.      Phương pháp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế
     
Để có thể áp dụng phương pháp này, NTNN cần thỏa mãn cả ba điều kiện đó là: (i) NTNN phải có cơ sở thường trú tại Việt Nam[3]; (ii) thời hạn kinh doanh của NTNN tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực; và (iii) NTNN áp dụng chế độ kế toán Việt Nam. Theo phương pháp này, NTNN sẽ đăng ký thuế GTGT, được mua hóa đơn GTGT để xuất cho chủ đầu tư Việt Nam và thực hiện việc kê khai thuế GTGT tương tự như một pháp nhân được thành lập tại Việt Nam. Thuế TNDN của NTNN trong trường hợp này cũng sẽ được tính trên cơ sở doanh thu trừ chi phí tương tự như một pháp nhân được thành lập tại Việt Nam. Như vậy, thuận lợi duy nhất của phương pháp này nếu so với việc thành lập công ty con tại Việt Nam là NTNN có thể khấu trừ thuế GTGT đầu vào từ các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho họ mà được thành lập tại Việt Nam nhưng lại không phải tốn kém với các chi phí quản lý doanh nghiệp (100 đồng như ví dụ ở trên, trong trường hợp thành lập công ty con tại Việt Nam).

2.      Phương pháp nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT và nộp thuế TNDN theo tỷ lệ phần trăm tính trên doanh thu (còn gọi là phương pháp khoán)

Nếu NTNN nào không thể thỏa mãn một trong ba điều kiện được nêu ở phương pháp thứ nhất thì sẽ đóng thuế GTGT và TNDN khoán trên cơ sở tỷ lệ phần trăm tính trên doanh thu tùy theo loại hàng hóa, dịch vụ mà NTNN cung cấp. Chủ đầu tư Việt Nam sẽ kê khai, nộp thay thuế nhà thầu cho NTNN.

Theo quy định, việc cung cấp dịch vụ chung sẽ nộp thuế GTGT là 5% và thuế TNDN là 5%. Việc cung cấp dịch vụ xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng thì nộp thuế GTGT là 3% và thuế TNDN là 2%. Trong khi đó, nếu cung cấp dịch vụ xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng thì đóng thuế GTGT là 5% và thuế TNDN là 2% với điều kiện hợp đồng NTNN ký kết không tách riêng được giá trị của hoạt động xây dựng, lắp đặt và giá trị máy móc thiết bị đi kèm công trình xây dựng được cung cấp.

Hai thuận lợi chính của phương pháp này là: (i) số thuế GTGT mà NTNN phải trả sẽ được xem là thuế GTGT đầu vào của chủ đầu tư Việt Nam và vì thế nó sẽ không còn là một khoản chi phí cho NTNN; (ii) NTNN không cần phải duy trì hệ thống kế toán Việt Nam, không phải kê khai thuế GTGT hàng tháng. Trong trường hợp này, NTNN giảm được các chi phí quản lý doanh nghiệp. Điều bất lợi duy nhất của phương pháp này là NTNN không thể khấu trừ thuế GTGT đầu vào từ các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam. Lấy ví dụ của phương pháp đầu tiên cho trường hợp này thì có thể thấy rằng nếu doanh thu theo hợp đồng là 1.000 đồng (sẽ không tính thuế GTGT lên dịch vụ cung cấp cho chủ đầu tư Việt Nam vì NTNN không đăng ký thuế GTGT) thì số thuế GTGT và thuế TNDN khoán mà NTNN phải nộp chỉ là 50 đồng tương đương với 5% doanh thu (bao gồm 3% thuế GTGT và 2% thuế TNDN) trong đó thì 30 đồng (tương đương với 3% thuế GTGT) lại được xem là thuế GTGT đầu vào của chủ đầu tư Việt Nam nên sẽ không được xem là chi phí. Vậy thì tổng chi phí thuế cho NTNN trong ví dụ này chỉ có 20 đồng thôi.

3.      Phương pháp kết hợp giữa phương pháp thứ nhất và phương pháp thứ hai, tức là nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và nộp thuế TNDN theo tỷ lệ phần trăm tính trên doanh thu tính thuế (còn gọi là phương pháp kết hợp).

Để có thể áp dụng phương pháp này, NTNN cũng phải thỏa mãn cả ba điều kiện đó là: (i) NTNN phải có cơ sở thường trú tại Việt Nam; (ii) Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực; và (3) NTNN tổ chức hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thuận lợi của phương pháp kết hợp này là NTNN có thể khấu trừ thuế GTGT đầu vào từ các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho họ được thành lập tại Việt Nam và được tính thuế GTGT đối với dịch vụ cung cấp cho chủ đầu tư Việt Nam nên hầu như họ không phải nộp thuế GTGT.  Thêm vào đó, với cách nộp thuế TNDN theo tỷ lệ phần trăm tính trên doanh thu thì họ sẽ giảm thiểu các chi phí quản lý doanh nghiệp và quan trọng hơn cả là trong một số trường hợp (ví dụ như tỷ suất lợi nhuận trên vốn thực hiện công trình xây dựng cao) thì việc nộp thuế TNDN theo mức khoán doanh thu sẽ có thể thấp hơn nhiều so với nộp thuế theo mức thuế suất 25% trên thu nhập chịu thuế (lấy doanh thu trừ chi phí). Lấy ví dụ ở trên cho trường hợp này thì chúng ta thấy rằng nếu doanh thu vẫn là 1.000 đồng và chi phí là 800 đồng thì số thuế TNDN mà NTNN phải đóng vẫn chỉ là 20 đồng, tương đương với 2% thuế TNDN trên doanh thu tính thuế.

Ngoài ba phương pháp nộp thuế được nêu ở trên, quy định về thuế nhà thầu cũng tạo điều kiện cho NTNN thương lượng với chủ đầu tư Việt Nam xin tách hợp đồng thắng thầu ra thành nhiều hợp đồng để hưởng thêm các thuận lợi về thuế. Theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc cung cấp hàng hoá cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam mà không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam như dưới các hình thức như giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài hay tại cửa khẩu Việt Nam cũng như trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ các dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam sẽ nằm ngoài đối tượng chịu thuế nhà thầu. Dựa trên cơ chế này, các NTNN sẽ thương lượng với chủ đầu tư Việt Nam tách nội dung hợp đồng tổng thầu thành nhiều hợp đồng nhỏ trên thực tế. Thí dụ: một hợp đồng cung cấp hàng hóa (ví dụ như máy móc, thiết bị nhưng không bao gồm việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ (như lắp đặt, bảo trì) và được giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài hay cửa khẩu Việt Nam – giá trị hợp đồng này sẽ không phải chịu thuế nhà thầu. Ngoài ra, kết hợp với lợi thế từ Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (“Hiệp định”) (Việt Nam đã ký Hiệp định với hơn 60 quốc gia), NTNN thương lượng thêm một hợp đồng cung cấp dịch vụ (như dịch vụ thiết kế, tư vấn xây dựng) ký kết giữa chủ đầu tư tại Việt Nam và một pháp nhân khác trong cùng tập đoàn của NTNN mà có trụ sở tọa lạc tại một trong những nước Việt Nam có ký Hiệp định. Theo tinh thần chung của các Hiệp định thì nếu như NTNN đó không có cơ sở thường trú tại Việt Nam theo định nghĩa về “cơ sở thường trú” được quy định trong Hiệp định thì NTNN đó có thể xin được miễn phần thuế TNDN phải nộp đối với các dịch vụ cung cấp ở nước ngoài cho chủ đầu tư tại Việt Nam. Và sau cùng là một hợp đồng cung cấp các dịch vụ trong nước (bảo trì, lắp đặt…) sẽ chịu thuế nhà thầu nhưng hợp đồng sẽ được thiết kế với giá trị nhỏ và NTNN sẽ cân nhắc áp dụng một trong ba phương pháp tính thuế như trên để giảm thêm số thuế nhà thầu phải đóng tại Việt Nam.

Như vậy, có thể nói là NTNN, tùy theo tỉ suất lợi nhuận trên giá trị hợp đồng thầu và/hoặc tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng dành cho việc phải mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam cho công trình nhận thầu mà chọn một trong các phương pháp chịu thuế ở trên cho phù hợp với lợi ích của họ và như vậy vô hình chung họ sẽ có nhiều thuận lợi về thuế hơn so với các doanh nghiệp trong nước và do đó góp phần không nhỏ trong việc giảm giá chào thầu để họ có thể thắng thầu khá dễ dàng tại Việt Nam.

Một trong những giải pháp mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần cân nhắc là xem xét việc giảm các phương pháp tính thuế mà các NTNN được lựa chọn khi thực hiện các công trình xây dựng tại Việt Nam và/hoặc xem xét các mức thuế khoán để làm sao không có sự quá chênh lệnh giữa các cách thức tính thuế để tránh việc các NTNN lợi dụng để giảm số thuế phải nộp tại Việt Nam làm thất thu ngân sách Nhà Nước và góp phần làm sai lệch mục đích tốt đẹp của quy định đấu thầu, ảnh hưởng xấu đến việc cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp trong nước. 


[1] Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu
[2] Khoản 18, Điều 4 Luật đấu thầu 2005
[3] Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mang lại thu nhập, bao gồm: - Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, hầm mỏ, mỏ dầu, khí hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam; - Địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp; - Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hay một tổ chức, cá nhân khác; - Đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài;- Đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Thu Hồi Nợ Khó Đòi - Nên Chọn Cách Nào

Thu Hồi Nợ Khó Đòi - Nên Chọn Cách Nào
(Ls Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phước & Partners)

Trong suốt vòng đời kinh doanh của doanh nghiệp (“DN”), chuyện bị một hay nhiều khách hàng không trả tiền hàng hóa/dịch vụ đã cung cấp vì nhiều lý do khác nhau thì trước sau gì cũng gặp và không ít trường hợp, tổn thất do các khoản nợ bị "ngâm" liên tục gia tăng sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh, thậm chí dẫn tới nguy cơ phá sản cho DN. Tuy nhiên, làm thế nào để DN có thể thu được một phần hay toàn bộ số nợ khó đòi một cách nhanh chóng, hiệu quả và ít tốn kém nhất thì không phải DN nào cũng hiểu rõ. 

Hiện có một số cách thức thu hồi nợ khó đòi phổ biến như: (i) xóa nợ; (ii) giảm một phần nợ với điều kiện DN con nợ phải trả ngay số nợ còn lại; (iii) bán nợ cho DN chuyên mua bán nợ (factoring); (iv) nhờ dịch vụ thu hồi nợ; (v) thuê luật sư khởi kiện DN con nợ; (vi) yêu cầu tuyên bố phá sản DN con nợ; hay (vii) thuê xã hội đen đòi nợ. Việc chọn một trong các cách thức này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như cơ chế pháp lý cho phép thực hiện, khả năng trả nợ của con nợ, chi phí thu hồi nợ, dòng chảy tiền mặt của DN chủ nợ…. Một sự lựa chọn không hợp lý có thể làm ảnh hưởng đến sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, kéo dài thời gian thu hồi nợ và làm phát sinh các chi phí không cần thiết cho việc thu hồi nợ nhưng chưa chắc đã giúp DN thu hồi được toàn bộ số nợ.

Xóa Nợ hay Giảm nợ: Việc xóa nợ nên được cân nhắc nếu DN con nợ không còn khả năng thanh toán ngay cả đối với những khoản nợ có giá trị rất nhỏ mà ước tính chi phí DN chủ nợ phải bỏ ra để thu hồi nợ thường bằng hoặc cao hơn số tiền nợ phải thu hồi. Đối với những DN con nợ đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ hoặc có điều kiện trả nợ nhưng ngần ngại thanh toán do một phần nợ là tiền lãi phát sinh từ việc chậm trả tiền hàng hóa, dịch vụ hoặc tiền phạt vi phạm hợp đồng, DN chủ nợ có thể xem xét việc giảm nợ một phần cho DN con nợ với điều kiện DN con nợ phải trả ngay một lần số nợ còn lại. Điều này sẽ giúp DN con nợ hợp tác hơn trong việc thanh toán, đồng thời chủ nợ cũng giải phóng được các khoản nợ khó đòi, có thêm nguốn vốn tái đầu tư và tiết kiệm được chi phí và thời gian thu hồi nợ.    

            Bán nợ: Việc bán nợ cho DN chuyên mua bán nợ có những thuận lợi nhất định. Thứ nhất, vì kinh doanh mua bán nợ DN đã hình thành từ khá sớm ở các nước Châu Âu và do đó những DN trong lĩnh vực này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý nợ khó đòi của DN. Thứ hai, việc kinh doanh mua bán nợ DN đã được luật pháp Việt Nam cho phép nên DN chủ nợ không sợ vi phạm pháp luật[1]. Thứ ba, DN mua bán nợ còn giúp cung cấp những nhận định, phân tích một cách toàn diện cũng như xác định những bất thường đối với khoản nợ, từ đó đưa ra khuyến cáo cho DN chủ nợ. Thứ tư, DN mua bán nợ có thể trả trước thời hạn toàn bộ hoặc một phần các khoản nợ của DN con nợ và mọi rủi ro không thu được đều do DN mua bán nợ gánh chịu. Thứ năm, với đặc thù là DN tài chính chuyên biệt, các DN chuyên mua bán nợ có thể giảm thiểu hoạt động kế toán của DN chủ nợ cũng như bảo đảm thu nợ và xác định các khoản thanh toán cho DN chủ nợ. Thứ sáu, bằng các cách thức xử lý nợ chuyên nghiệp, chẳng hạn như sử dụng các phần mềm vi tính để nhắc nhở DN con nợ thanh toán thông qua tin nhắn/email/điện thoại một cách tự động và theo lịch đã định sẵn, các DN mua bán nợ sẽ tiết kiệm và rút ngắn thời gian thu hồi nợ và tạo thói quen cho DN con nợ thanh toán đúng hạn. Điểm bất lợi chính là điều kiện và thủ tục để DN mua bán nợ chấp thuận mua nợ từ DN chủ nợ tương đối khắt khe, và tiền hoa hồng, phí thu nợ khá cao, làm cho DN chủ nợ có thể bị lỗ.

Thuê dịch vụ thu hồi nợ: Việc nhờ dịch vụ thu hồi nợ cũng là một cách thức khác mà cũng nên xem xét vì những thuận lợi của nó. Thứ nhất, dịch vụ thu hồi nợ được pháp luật Việt Nam công nhận thông qua việc đã có một số DN hoạt động trong lĩnh vực này được cấp giấy đăng ký kinh doanh chính thức. Thứ hai, DN cung cấp dịch vụ thu hồi nợ có thể xuất hóa đơn GTGT cho phí dịch vụ của họ nên DN chủ nợ có thể đưa vào chi phí được khấu trừ của mình. Thứ ba, do hiểu được triết lý kinh doanh của DN là sợ mất uy tín với khách hàng nên các DN thu hồi nợ sẽ áp dụng các chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” nhưng hợp pháp làm cho DN con nợ mệt mỏi, sợ mất thể diện mà phải trả nợ. Sau cùng và quan trọng hơn hết là đa số các DN thu hồi nợ thường không thu phí cố định, có thể chỉ nhận một khoản phí xác minh ban đầu rất nhỏ và chỉ thu phí dịch vụ khi thu hồi được nợ nên nếu không thu hồi được nợ thì DN chủ nợ cũng không mất thêm chi phí thu hồi nợ. Điểm bất lợi chính của việc sử dụng dịch vụ thu hồi nợ là hiện tại, phạm vi hoạt động của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ tương đối hẹp do quy định của pháp luật đối với hoạt động này[2], một số hoạt động chưa được quy định rõ ràng, đồng thời phí dịch vụ của họ khá cao từ 5-35% số nợ thu hồi được và thậm chí trong một trường hợp khó khăn thì phí thu hồi nợ có thể lên đến 50%. 

Khởi kiện đòi nợ: Một cách khác mà cũng nên cân nhắc là nhờ luật sư khởi kiện DN con nợ ra tòa án có thẩm quyền để thu hồi nợ. Đây là một biện pháp có tác động mạnh đến tâm lý DN con nợ. Một trong những thuận lợi chính của phương cách này là bằng việc khởi kiện ra tòa, luật sư của DN chủ nợ trong quá trình tố tụng có thể cân nhắc việc yêu cầu tòa án thụ lý áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà pháp luật cho phép như: niêm phong hay không cho chuyển dịch tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng của DN con nợ hay cấm một số người trong ban quản trị của DN con nợ xuất cảnh[3]. Những việc này sẽ tạo áp lực đáng kể lên DN con nợ, đặc biệt là các DN con nợ vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường. Ưu điểm thứ hai là luật sư thường tính phí trên cơ sở cố định và phí thường không quá cao nên nếu số nợ khó đòi mà thu hồi được thì chi phí bỏ ra để thu hồi nợ chỉ ở mức độ vừa phải. Ưu điểm thứ ba là các luật sư thường hoạt động dưới hình thức các văn phòng luật sư/công ty luật nên có thể xuất hóa đơn GTGT, nên chi phí thuê luật sư có thể đưa vào chi phí hợp lý hợp lệ của DN chủ nợ. Và ưu điểm sau cùng là vì những người làm việc cho các văn phòng luật sư/công ty luật là những người được đào tạo trong các trường lớp chuyên ngành, có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp và tố tụng nên họ có thể nắm bắt nhanh chóng hồ sơ, tài liệu có liên quan, hiểu rõ bản chất sự việc, từ đó tiến hành khởi kiện DN con nợ. Bên cạnh đó, luật sư có thể tư vấn cho DN chủ nợ về mặt pháp luật để đánh giá vụ đòi nợ này có đúng thực chất là một vụ đòi nợ hay có tiềm ẩn việc tranh chấp hợp đồng không. Nếu là tranh chấp hợp đồng thì DN chủ nợ có khả năng sẽ bị DN con nợ phản tố không và khả năng phản tố thành công có cao không. Những lời khuyên này rất quan trọng cho DN chủ nợ vì nhiều khi DN chủ nợ chưa chắc chắn vụ việc thực chất là đòi nợ và tranh chấp hợp đồng, nên nhiều khi đi kiện đòi nợ đã không thu được nợ mà còn bị tố ngược lại và phải bồi thường hợp đồng cho DN con nợ, cũng như tốn tiền đóng án phí và phí luật sư.

Yêu cầu tuyên bố phá sản DN con nợ: Trong trường hợp số tiền nợ lớn và DN con nợ lại không có nhiều khả năng thanh toán thì việc giảm nợ để DN con nợ trả nhanh số nợ còn lại, bán nợ cho DN chuyên mua bán nợ, nhờ DN cung cấp dịch vụ thu hồi nợ đòi nợ thuê sẽ cho thấy không khả thi vì không ai nhiệt tình muốn tham gia do khả năng thu hồi nợ thấp. Trong trường hợp này, tốt nhất là nhờ một văn phòng luật sư hay công ty luật chuyên về phá sản DN nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN con nợ và cố gắng sớm nhận được quyết định của tòa án tuyên bố phá sản DN con nợ. Dù biết rằng việc yêu cầu mở thủ tục phá sản DN con nợ sẽ không có nhiều ý nghĩa khi DN con nợ đã không còn khả năng thanh toán nữa hay có nhiều khoản nợ có đảm bảo rồi nhưng DN chủ nợ nên làm vậy dù phải tốn chi phí luật sư vì nó lại có lợi cho DN chủ nợ ở một góc độ khác. Theo đó, dựa trên bản án của tòa án, DN chủ nợ có thể xin tuyên bố phá sản DN con nợ theo quy định về pháp luật phá sản DN. Khi đó, DN chủ nợ sẽ có cơ hội (dù nhỏ) thu hồi được một phần số nợ khó đòi qua việc tiến hành thủ tục phát mãi tài sản còn lại của DN con nợ theo thủ tục phá sản. Phần nợ mà không thể thu hồi được qua việc phát mãi tài sản của DN con nợ sẽ được bù đắp thông qua việc sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi mà DN chủ nợ đã trích trước vào chi phí DN và phần chênh lệch (nếu có) cũng sẽ được hạch toán vào chi phí quản lý và làm giảm doanh thu chịu thuế của DN chủ nợ.

Trong trường hợp số tiền nợ lớn nhưng DN con nợ lại có khả năng thanh toán dù không chịu trả thì DN chủ nợ cần cân nhắc chọn lựa giữa việc đồng ý giảm nợ để DN con nợ trả nhanh số nợ còn lại, bán nợ cho DN chuyên mua bán nợ, nhờ DN cung cấp dịch vụ thu hồi nợ đòi nợ thuê hay nhờ văn phòng luật sư hay công ty luật khởi kiện ra tòa. Việc giảm nợ để DN con nợ trả nợ chỉ có thể thực hiện được nếu có thể thấy rõ được thiện chí của DN con nợ, ví dụ như trả một phần nhỏ tiền nợ để bày tỏ thiện chí trả nợ v.v. Nếu không thấy được sự thiện chí này thì DN chủ nợ cần cân nhắc đến các phương pháp khác như đã nêu ở trên.     

Nhờ xã hội đen: Còn nếu DN chủ nợ tìm đến giải pháp sau cùng là nhờ đến các băng nhóm xã hội đen thì nên tránh xa vì DN chủ nợ không thể kiểm soát được các hoạt động/hành vi đòi nợ của các băng nhóm được thuê để thực hiện. Trong trường hợp các đối tượng này bắt cóc, đánh đập, xiết nợ DN con nợ thì DN chủ nợ không những có nguy cơ không thu được tiền nợ khó đòi và tốn kém chi phí cho các băng nhóm xã hội đen mà còn có nguy cơ bị liên đới chịu trách nhiệm dân sự nếu các hành vi đòi nợ vi phạm pháp luật và người đứng đầu DN chủ nợ còn có thể liên đới chịu trách nhiệm hình sự cùng với băng nhóm xã hội đen về các tội như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của  người khác[4] hay Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản[5]. Một vấn đề cũng quan trọng không kém là phí dịch vụ đòi nợ trong trường hợp thuê băng nhóm xã hội đen thực hiện sẽ không được đưa vào chi phí DN và bên cạnh đó còn vô vàn những mối phiền hà khác từ việc sử dụng những đối tượng này.





[1] Điều 1, Điều 2 Quyết định 1096/2005/QĐ-NHNN của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam
[2] chỉ được gói gọn trong Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính Phủ và Thông tư 110/2007/TT-BTC của Bộ Tài Chính
[3] Điều 99, Điều 102 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự năm 2004
[4] Điều 104 Bộ luật hình sự 1999
[5] Điều 134 Bộ luật hình sự 1999