Dịch Vụ Taxi Công
Nghệ: Người Dùng Vui, Cơ Quan Thuế Đau Đầu
Phạm Trọng Thanh Thủy – Công ty Luật Phuoc & Partners
Năm 2015 là năm đánh dấu sự phát triển thành công của mô hình dịch
vụ taxi ứng dụng công nghệ (“dịch vụ
taxi công nghệ”). Nhờ vào phần mềm gọi taxi do các doanh nghiệp công nghệ cung
cấp (“doanh nghiệp công nghệ”), các doanh
nghiệp kinh doanh taxi đã thu được nhiều lợi nhuận từ phương thức kinh doanh mới
này, người tiêu dùng đồng thời cũng được tận hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn với
giá cước taxi thấp hơn. Dù vậy, về phía quản lý Nhà nước, mô hình kinh doanh mới
mẻ này đã đặt ra những vấn đề đáng bàn về chính sách thuế và biện pháp quản lý
của cơ quan thuế địa phương.
Thuế thu nhập doanh
nghiệp (“TNDN”) của hợp tác xã vận tải
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có doanh nghiệp hoặc hợp
tác xã (“HTX”) mới được kinh doanh vận
tải hành khách bằng xe taxi và phải đáp ứng một số điều kiện khác.[1] Do đó, để tận dụng xe cá
nhân nhàn rỗi và tăng thêm thu nhập, nhiều cá nhân đã đăng ký làm xã viên của
các HTX vận tải với mức vốn góp rất thấp, sau đó họ tự cung cấp dịch vụ vận
chuyển hành khách thông qua việc cài đặt ứng dụng gọi taxi do các doanh nghiệp
công nghệ cung cấp.
Thông tin trên các phương tiện đại chúng hiện nay cho thấy, HTX chỉ
tham gia hỗ trợ về mặt hành chính nhằm hợp thức hóa về mặt pháp lý cho các cá
nhân có xe nhàn rỗi vận chuyển hành khách, qua đó, HTX có thêm các nguồn thu từ
tiền góp vốn của chủ xe và phí quản lý hàng tháng,[2] chứ HTX trên thực tế không
cung cấp dịch vụ taxi bằng tư cách pháp lý của chính mình và tất nhiên cũng chẳng
thu được tiền gì từ hoạt động vận tải hành khách bằng taxi như trên. Không thể
biết được giữa chủ xe, đồng thời là thành viên HTX có hay không có hợp đồng dịch
vụ mà có quy định là HTX có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều
hành xe tô tô thuộc sở hữu riêng của thành viên HTX,[3] nên việc xác định trách
nhiệm của chủ xe hay HTX trong những tình huống xảy ra tranh chấp, yêu cầu bồi
thường, nghĩa vụ tài chính… chắc chắn sẽ gây tranh cãi. Việc xác định thuế TNDN
của HTX theo đó cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý thuế.
Theo quy định thì HTX là người nộp thuế TNDN dựa trên doanh thu từ
hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, nhưng các cơ quan thuế địa phương hầu
như không thể xác định được doanh thu từ hoạt động kinh doanh taxi ứng công nghệ
của HTX vận tải khi mà các đơn vị này thực tế không có nguồn thu từ hành khách.
Vốn điều lệ tăng lên của HTX từ các khoản vốn góp của xã viên khi gia nhập ban
đầu không được xác định là doanh thu, trong khi khoản phí quản lý hàng tháng
cũng không đáng kể. Ngay cả khi không xác định được doanh thu thực tế của HTX vận
tải thì các cơ quan thuế địa phương cũng
không có cơ sở để ấn định thuế TNDN phải nộp do chưa thể xác định chính xác là có
bao nhiêu chủ xe cá nhân đăng ký làm thành viên HTX và đang tham gia vận chuyển
hành khách, doanh thu mang lại cho các chủ xe cá nhân này là bao nhiêu. Nếu có
thể buộc được HTX phải nộp thuế TNDN dù HTX có thực tế phát sinh doanh thu từ dịch
vụ taxi thông minh hay không thì khả năng là các HTX không dễ dàng gì tiếp nhận
các xã viên một cách đơn giản và ồ ạt như hiện nay chỉ để các chủ xe cá nhân hoạt
động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi khi chưa đáp ứng các điều kiện luật
định. Không chỉ cơ quan quản lý ngành, mà các cơ quan thuế địa phương đều biết rằng, lớp vỏ HTX đang tồn tại
trong quá trình cung cấp dịch vụ taxi công nghệ đến khách hàng nhưng chưa quản
lý nổi lớp ruột bên trong của mô hình dịch vụ này.
Thuế thu nhập cá nhân
(“TNCN”) của chủ xe kinh doanh dịch vụ taxi
Theo quy định về TTNCN, chủ xe cá nhân kinh doanh taxi nếu có
doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ phải nộp thuế khoán TNCN và thuế giá trị
gia tăng (“GTGT”) theo quy định tại Thông
tư 92,[4] trong đó doanh thu tính
thuế được xác định theo doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh nếu cá nhân
có căn cứ rõ ràng để xác định hoặc do các cơ quan thuế địa phương ấn định khi cá nhân không thể tự xác định được hay xác
định không phù hợp với thực tế.[5] Vấn đề quan trọng ở đây là
các cơ quan thuế địa phương không thể xác
định được trong hàng chục ngàn xe đăng ký sở hữu cá nhân, những ai có kinh
doanh vận tải taxi và doanh thu tính thuế thực tế của những người này là bao
nhiêu, dù hành khách thanh toán cho tài xế bằng tiền mặt hay thanh toán bằng thẻ
tín dụng. Trường hợp phải ấn định thuế TNCN cho chủ xe kinh doanh taxi thì các cơ
quan thuế địa phương sẽ phải tiến hành
xác minh, kiểm tra, khảo sát thu thập thông tin và lấy ý kiến công khai của các
bên liên quan.[6] Việc
này đòi hỏi thời gian và hệ thống dữ liệu, thống kê đầy đủ và liên tục được cập
nhật và vì thế dường như các cơ quan thuế địa
phương hiện nay chưa có hạ tầng này để làm cơ sở ấn định mức thuế cho cá
nhân kinh doanh taxi theo mô hình trên.
Nhìn vào vị trí các chủ xe đang kinh doanh taxi ứng dụng công nghệ
trong mô hình phổ biến hiện nay, có thể thấy về nguyên tắc, họ đồng thời có thể
chịu thuế TNCN cho nhiều loại thu nhập khác nhau, ngoài việc có thể phải nộp
thuế khoán. Nếu họ là người lao động của HTX và việc lái xe của chính mình chỉ
là đang sử dụng chiếc xe đã cho HTX thuê, họ sẽ là đối tượng nộp thuế TNCN từ
tiền lương tiền công, song vẫn sẽ phải nộp thuế TNCN đối với doanh thu từ việc
cho thuê tài sản theo hình thức cá nhân kinh doanh. Nếu họ là xã viên HTX và được
phân phối thu nhập theo các quy định pháp luật về HTX, họ là đối tượng nộp thuế
TNCN từ hoạt động đầu tư vốn. Tuy nhiên, các cơ quan thuế địa phương lại không có đủ thông tin và cơ sở
để xác định vai trò cụ thể của từng chủ xe cá nhân nên không thể xác định chính
xác thuế TNCN của những người này. Với thông tin hiện nay có trên 4.000[7] xe tham gia mô hình taxi
công nghệ tương ứng với số lượng tài xế đó thì Nhà nước dường như thất thu một
khoản thuế TNCN không nhỏ khi không thể xác định được nghĩa vụ thuế TNCN của chủ
xe.
Thuế nhà thầu của doanh
nghiệp công nghệ
Doanh nghiệp công nghệ cung cấp phần mềm gọi taxi cho các chủ xe
tham gia vào mô hình taxi công nghệ là các doanh nghiệp nước ngoài và không
thành lập pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam để cung cấp dịch vụ tại
thị trường địa phương. Có thể do đã có sự chuẩn bị và tìm hiểu kỹ càng về pháp
luật nước sở tại trước khi triển khai dịch vụ taxi công nghệ nên các doanh nghiệp
này cũng không thành lập cơ sở thường trú tại Việt Nam[8] để không thuộc đối tượng
phải nộp thuế TNDN. Văn phòng đại diện của doanh nghiệp công nghệ, nếu có thành
lập cũng chỉ thực hiện chức năng xúc tiến thương mại, và không đóng vai trò gì
trong việc cung cấp phần mềm cho người dùng tại Việt Nam hay quản lý người dùng.
Dù vậy, các doanh nghiệp công nghệ trong trường hợp này vẫn phải đóng thuế nhà
thầu theo quy định. Vấn đề đặt ra là cơ sở pháp lý nào cho việc yêu cầu doanh
nghiệp phần mềm phải trực tiếp đóng thuế nhà thầu và làm thế nào để xác định được
doanh thu tính thuế của họ.
Pháp luật thuế đã quy định rằng cá nhân sản xuất kinh doanh, ở đây
là các chủ xe taxi có sử dụng phần mềm của doanh nghiệp công nghệ, có trách nhiệm
khấu trừ số thuế GTGT và thuế TNDN trước khi thanh toán cho nhà thầu nước
ngoài,[9] tức là các doanh nghiệp
cung cấp phần mềm. Như vậy, bất kể là doanh nghiệp phần mềm và chủ xe đã thỏa
thuận như thế nào về việc ai là người phải chịu trách nhiệm với số tiền thuế phải
nộp hoặc kể cả khi các bên không đề cập đến nội dung này thì các chủ xe vẫn phải
thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. Việc các chủ xe không chủ động khấu
trừ và nộp thuế nhà thầu trước hết đã vi phạm các quy định tương ứng và đồng thời
cũng cho thấy sự hiểu biết về pháp luật thuế, nghĩa vụ của các cá nhân còn hạn
chế. Doanh nghiệp công nghệ có thể lập luận rằng nghĩa vụ kê khai và nộp thuế
nhà thầu thuộc về các chủ xe, dù cho chủ xe không thỏa thuận hoặc thỏa thuận về
việc khấu trừ thuế nhà thầu. Việc truy thu thuế nhà thầu của doanh nghiệp công
nghệ, từ đó có thể gặp khó khăn ở góc độ pháp lý. Cũng
cần thấy rằng, doanh thu từ hành khách sử dụng dịch vụ taxi sẽ chảy trực tiếp
vào túi của doanh nghiệp công nghệ ở nước ngoài còn các chủ xe chỉ được chia phần
theo thỏa thuận giữa hai bên. Chủ xe trở thành bên nhận tiền chứ không phải là
bên chi trả để khấu trừ tại nguồn phần doanh thu của doanh nghiệp công nghệ.
Bên cạnh đó, các cơ quan thuế địa phương cũng sẽ
rất khó xác định doanh thu tính thuế của doanh nghiệp công nghệ khi mà quy
trình thanh toán, chuyển tiền, hóa đơn chứng từ đều đang vận hành không theo
hành lang chuẩn áp dụng cho hoạt động kinh doanh taxi như trước. Nếu các cơ
quan thuế địa phương không thể xác định chính xác doanh thu của doanh nghiệp
công nghệ, e rằng việc tính thuế nhà thầu nếu áp dụng sẽ vấp phải sự phản đối từ
chính doanh nghiệp công nghệ vốn đã có bước chuẩn bị lâu dài trước khi triển
khai dịch vụ tại Việt Nam.
Kết luận
Không thể phủ nhận dịch vụ taxi ứng dụng
thành tựu của công nghệ thông tin đã mang đến cho người dùng rất nhiều tiện ích
và thuận lợi, song nó cũng đặt ra thách thức rất lớn cho các cơ quan quản lý
thuế trong việc chống thất thu thuế và quản lý đối tượng nộp thuế. Phát triển
mô hình dịch vụ taxi công nghệ trên cơ sở gia tăng thêm loại sản phẩm cung cấp
cho khách hàng, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định thí điểm triển khai ứng dụng
khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo
hợp đồng[10] tại
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh trong hai năm tính từ tháng 01 năm 2016 theo nội dung Đề án GrabCar do Công ty TNHH GrabTaxi
trình. Điều này chứng tỏ cơ quan quản lý ngành đã phần nào thừa nhận mô hình
cung cấp dịch vụ vận tải thông qua ứng dụng công nghệ, nhưng tương lai cần có
những biện pháp kiểm soát tốt hơn cũng như phối hợp với cơ quan thuế ban hành các hướng dẫn để giải quyết được những bất cập trong hoạt
động quản lý thuế.
[1] Điều
67.2 của Luật Giao thông Đường bộ 2008 (“Luật
GTĐB”)
[3] Điều 13.2.a của Nghị định
86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
[4] Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ
Tài chính ngày 15 tháng 6 năm 2015 hướng dẫn về thực
hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có
hoạt động kinh doanh
[5] Điều 2.2.a của Thông
Tư 92
[6] Điều 6.4 của Thông
Tư 92
[7] http://www.baogiaothong.vn/uber-ngoi-mat-thu-tien-ty-tham-nhap-lop-huan-luyen-lam-tai-xe-d134631.html
[8] Điều 2.1.d Thông tư
78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18 tháng 6 năm 2014 hướng dẫn về thuế thu
nhập doanh nghiệp
[9] Điều 4.2 Thông tư
103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 6 tháng 8 năm 2014 hướng dẫn thực hiện
nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt
Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam
[10] Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ
Giao thông Vận tải ngày 07 tháng 01 năm 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét