FATCA và nghĩa vụ
bảo mật thông tin
Luật sư Nguyễn
Vân Quỳnh – Phạm Thị Hải Yến
Công ty luật
Phuoc & Partners
Ảnh hưởng của FATCA
Một nội luật đã vượt qua biên giới của
quốc gia ban hành và ảnh hưởng sâu rộng đến các quốc gia khác. Đó là câu chuyện
mang tên FATCA (Foreign Account Tax Compliance Act, tạm dịch là đạo luật Tuân
thủ thuế của chủ tài khoản nước ngoài) – đạo luật do Mỹ ban hành năm 2010.
Một cách khái quát, FATCA là một công cụ
để phát hiện, xác định và ngăn ngừa các hành vi trốn thuế của chủ tài khoản Mỹ ở
nước ngoài thông qua một cơ chế báo cáo thông tin minh bạch. Theo đó, FATCA yêu
cầu các tổ chức tài chính nước ngoài xác định và cung cấp thông tin của chủ tài
khoản Mỹ cho Sở thuế vụ Mỹ (IRS), nếu
không sẽ bị khấu trừ 30% thuế đối với các khoản thu nhập có nguồn gốc từ Mỹ. Mặc
dù mục đích của FATCA chỉ hướng đến việc giảm thiểu thất thu thuế và tăng cường
việc tuân thủ thuế của chủ tài khoản Mỹ, nghĩa là dường như chỉ tác động đến những
yếu tố Mỹ, nhưng thật sự nó đã ảnh hưởng đến hoạt động của tất cả các tổ chức
tín dụng (TCTD) nước ngoài, tổ chức
kinh tế có quan hệ thương mại với Mỹ. Để hiện thực hóa nghĩa vụ báo cáo cho
IRS, các TCTD phải tự mình xây dựng và trang bị hệ thống thu thập thông tin,
xác minh, thẩm tra khách hàng của mình có phải là chủ tài khoản Mỹ hay không và
gánh nặng chi phí từ quy trình đó không hề nhỏ. Nhưng khó khăn ở chỗ là các tổ
chức tài chính ngoài Mỹ, bao gồm các tổ chức tài chính tại Việt Nam chỉ được lựa
chọn tuân thủ hay không tuân thủ FATCA, mà không còn cách thoái thác nào khác.
TCTD phải bảo mật
thông tin
Nếu giữa Việt Nam và Mỹ có hiệp định
song phương (IGA) buộc các TCTD của
Việt Nam phải tuân thủ FATCA trong chừng mực nhất định thì dù rằng nội dung của IGA có quy định khác với pháp luật Việt Nam về cùng
một vấn đề, IGA vẫn sẽ được ưu tiên áp dụng.[1]
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của thì tương lai, còn hiện tại Việt Nam và Mỹ vẫn
chưa có IGA nào về việc tuân thủ FATCA. Vậy thì các TCTD của Việt Nam có buộc
phải cung cấp thông tin cho tổ chức nước ngoài khác theo pháp luật của nước đó
hay không?
Pháp
luật Việt Nam[2]
quy định rằng TCTD phải đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền
gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD đồng thời không được cung cấp các
thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của
khách hàng. Từ đây, có thể thấy rằng: thứ nhất, thông tin liên quan đến tài
khoản sẽ bao gồm cả thông tin của chủ tài khoản – cơ sở để xác định khách hàng
có phải là chủ tài khoản Mỹ theo FATCA hay không. Thứ hai, TCTD Việt Nam không
có nghĩa vụ phải báo cáo thông tin về chủ tài khoản cho IRS. Thứ ba, dù cho các
TCTD phải cung cấp thông tin của chủ tài khoản cho cơ quan Nhà nước, ở đây là Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) theo
yêu cầu của NHNN thì yêu cầu đó phải phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên,
hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý cho NHNN yêu cầu các TCTD
cung cấp thông tin khách hàng để NHNN báo cáo cho chính phủ nước ngoài.
Rõ ràng, nhìn từ quy định quốc gia,
TCTD Việt Nam không buộc phải tuân thủ FATCA, mà Mỹ chắc chắn cũng hiểu một
điều rằng FATCA không đương nhiên được áp dụng ở nước ngoài nếu các quốc gia
khác không tự nguyên tuân thủ. Mỹ, do đó, cũng không minh thị yêu cầu các quốc
gia khác phải công nhận hay thi hành FATCA. Đơn giản chỉ là Mỹ sẽ khấu trừ 30%
thuế từ thu nhập có nguồn gốc từ Mỹ của các TCTD không thực hiện theo FATCA mà
thôi.
TCTD phải cung cấp thông tin?
Bằng cách không tham gia vào thị trường
tài chính Mỹ, không đầu tư vào tài sản ở Mỹ, không giao dịch với Mỹ thì TCTD Việt
Nam sẽ không bị khấu trừ thuế do không có thu nhập từ Mỹ trong khi vẫn không cần
phải tuân thủ FATCA. Nhưng điều này chẳng khác nào TCTD Việt Nam tự tách rời
mình khỏi trung tâm tài chính số một thế giới. Thật khó khăn khi phải cô lập giữa
một thị trường tài chính sôi động và cũng chẳng được lợi ích gì trong tình huống
đó, chi bằng tự nguyện tuân thủ FATCA.
Để mở đường cho việc tuân thủ FATCA tại
Việt Nam, ngày 24/4/2014, NHNN đã ban hành Công văn số 1118/TTGSNH7 hướng dẫn
liên quan đến việc tuân thủ FATCA (Công
văn 1118).[3] Cụ
thể là trong giai đoạn Việt Nam và Mỹ chưa có IGA về việc tuân thủ FATCA, các
TCTD chủ động đăng ký mã số nhận dạng tổ chức trung gian toàn cầu (GIIN); báo các NHNN về việc đăng ký
GIIN sau khi được phê duyệt; báo cáo NHNN và phải được NHNN chấp thuận trước
khi chuyển thông tin của khách hàng cho IRS. Vậy có thể hiểu là NHNN đã bật đèn
xanh cho các TCTD cung cấp trực tiếp thông tin khách hàng cho IRS một cách có
điều kiện.
Cần thấy rằng công văn của NHNN không phải
là một văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt
Nam. Một công văn của cơ quan Nhà nước ban hành là để hướng dẫn thực hiện và
tuân thủ pháp luật trong những trường hợp quy định chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều
cách hiểu khác nhau, có thể gửi riêng cho người hỏi, cũng có thể gửi chung cho
các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan ban hành công văn nhằm thống nhất
một cách hiểu chung, áp dụng một chính sách mang tính hệ thống. Bất kể thuộc
trường hợp nào và nhằm mục đích gì thì cơ quan ban hành công văn vẫn phải đảm bảo
nguyên tắc công văn không được vượt rào, trái quy định pháp luật. Và nếu công
văn được ban hành không phù hợp với nguyên tắc trên thì các chủ thể mà công văn
hướng tới có quyền không thực hiện theo Công văn mà không chịu biện pháp chế
tài nào. Thấu hiểu điều này, trong toàn bộ nội dung Công văn 1118, NHNN không bắt
buộc TCTD phải thực hiện theo công văn và cũng không răn đe rằng “nếu không tuân thủ, TCTD sẽ chịu trách nhiệm
theo quy định pháp luật”. Tất cả chỉ dừng lại ở việc “khuyến nghị” để TCTD xem xét thực hiện.
Bản thân Công văn 1118 sẽ không phát
sinh vấn đề pháp lý nếu chỉ nhìn bề mặt câu chữ của nó, nhưng vấn đề cần lưu
tâm hơn chính là hậu quả pháp lý nếu TCTD chủ động thực hiện theo FATCA và Công
văn 1118 trong thời điểm này. Một khi NHNN chấp thuận cho TCTD báo cáo thông
tin của khách hàng cho IRS thì liệu có dấu hiệu của việc chưa tuân thủ quy định
pháp luật quốc gia hay không? Khi đó, liệu các khách hàng là chủ tài khoản Mỹ
có thể kiện TCTD do vi phạm quy định bảo mật thông tin theo quy định pháp luật
Việt Nam hay không? Và NHNN sẽ đóng vai trò gì trong việc giải quyết những mâu
thuẫn đó?
Câu chuyện của năm 201x
Công văn
1118 cho biết rằng Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về chủ trương đàm phán và
ký kết IGA với Mỹ để thực hiện FATCA. Con đường từ chấp thuận chủ trương đến
một IGA được ký kết và áp dụng trên thực tế là bao xa và TCTD phải chờ đợi IGA
bao lâu nữa? Công văn 1118 chưa đủ tầm để giải quyết một vấn đề pháp lý nan
giải là xung đột giữa luật nội địa và FATCA, mà mới chỉ giải quyết mặt thực
tiễn cấp bách khi ngày chính thức áp dụng FATCA 01/07/2014 đang đến rất gần.
Tình cảnh “đứng
giữa ngã ba đường” này đặt các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước động
thái hoặc phải kịp thời điều chỉnh pháp luật quốc gia cho tương thích với FATCA
hoặc phải nhanh chóng ký kết IGA. IGA dù được ký kết theo Mô hình 1 (TCTD sẽ
báo cáo thông tin chủ tài khoản Mỹ cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia để cơ
quan này báo cáo IRS) hoặc theo Mô hình 2 (TCTD được phép trực tiếp báo cáo thông
tin chủ tài khoản Mỹ cho IRS) thì cũng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng
cho TCTD và/hoặc NHNN thực hiện việc tuân thủ FATCA một cách hợp pháp.
TCTD nên xem
xét đến khả năng có được chấp thuận của khách hàng là chủ tài khoản Mỹ trước
khi báo cáo thông tin của các khách hàng này cho IRS vì cơ chế này được pháp
luật Việt Nam cho phép,[4]
song, nếu khách hàng không chấp thuận thì TCTD quả thật ở vào tình thế tiến
thoái lưỡng nan. Trong giai đoạn “quá độ” này, các TCTD cần hết sức thận trọng
khi thực hiện các yêu cầu báo cáo theo FATCA để tránh việc vi phạm pháp luật
Việt Nam mà vẫn không bị mất 30% thu nhập oan uổng.
[2] Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng
2010
[3]http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&ved=0CCoQFjAA&url=http%3A%2F%2Fwww.sbv.gov.vn%2Fportal%2Fcontentattachfile%2Fidcplg%3Bjsessionid%3DMJW1Tbdd2hxThrtJ0wjbQs2ypQNw2KWWyy1QLQfrg5Z2n9nmxmjy!-1858008053!-188127756%3FdID%3D11737638%26dDocName%3DCNTHWEBAP0116211758439%26Rendition%3DC%25C3%25B4ng%2520v%25C4%2583n%25201118%2FTTGSNH7%26filename%3DX-FATCA..pdf&ei=Ya95U52KMsOckAXw9YDwDA&usg=AFQjCNGPQGvQfE4KIWkZYMZWbLvrpUmJag&sig2=0ZjPNgAmuzlJ5pc_SDkCfA&bvm=bv.66917471,d.dGI
[4]
Điều 14.3 của Luật các tổ
chức tín dụng 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét