Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Sáng chế do người lao động làm ra: ai sở hữu?

Sáng chế do người lao động làm ra: ai sở hữu???
Tiến sĩ Phan Ngọc Tâm & Luật sư Nguyễn Hữu Phước
Công ty luật Phuoc & Partners
www.phuoc-partners.com
                                                
Lao động gắn liền với sáng tạo và do đó phần lớn các sản phẩm trí tuệ do con người làm ra là từ quá trình lao động dù dưới bất kỳ hình thức và cách thức nào. Những sản phẩm này có thể được làm ra dưới nhiều hình thức như sản phẩm hàng hóa, các sáng chế, các chương trình máy tính, các quy trình công nghệ… Cho dù được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào thì các sản phẩm này, đặc biệt là các sáng chế, do hàm lượng trí tuệ được chứa đựng bên trong chúng, luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và thịnh vượng của từng cá nhân, từng doanh nghiệp. Do vậy, theo nguyên lý thông thường, các chủ thể liên quan đến quá trình lao động sáng tạo này đều có xu hướng muốn xác lập quyền sở hữu của mình đối với các tài sản đó.
Theo nguyên tắc chung của pháp luật sở hữu trí tuệ (“SHTT”), các sản phẩm trí tuệ được tạo ra bởi chủ thể nào thì sẽ thuộc quyền sở hữu của chủ thể đó, và vì thế, người ta có thể suy luận rằng các sáng chế sẽ thuộc về người đã tạo ra sáng chế đó. Tuy nhiên, do những đặc thù riêng trong mối quan hệ lao động giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ), việc xác định các sáng chế do người lao động làm ra có đương nhiên thuộc quyền sở hữu của họ hay không vẫn đang là một vấn đề pháp lý mà các chủ thể liên quan rất quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở các nước phát triển. Trên thực tế, câu trả lời cho câu hỏi này là khác nhau ở các quốc gia khác nhau.
Thật vậy, hiện nay các thẩm phán của Tòa án Việt Nam đang khá “đau đầu” khi phải giải quyết các tranh chấp giữa NLĐ và NSDLĐ liên quan đến các đối tượng SHTT được tạo ra trong quá trình lao động. Chẳng hạn, một giảng viên X của Trường đại học K, làm chủ trì một đề tài nghiên cứu khoa học được Nhà trường xét duyệt và cấp kinh phí để tìm ra một sáng chế mới giúp tiết kiệm tối đa điện năng gia dụng cho các gia đình Việt Nam. Trong quá trình thực hiện công trình nghiên cứu này, ông X cùng các học trò của mình “vô tình” phát hiện ra một sáng chế khác không nằm trong mục đích nghiên cứu của công trình ban đầu. Ông X đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, Trường K không đồng ý vì cho rằng sáng chế này phải thuộc về Nhà trường chứ không phải bản thân ông X. Với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, liệu Tòa án có thể giải quyết thỏa đáng vụ việc này hay không? Hiện vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Tạm bỏ qua các quy định của pháp luật Việt Nam, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một cách sơ lược các quy định của pháp luật các nước về vấn đề này.
                                                                                                                              
Kinh nghiệm các nước
Theo pháp luật của Vương Quốc Anh, sáng chế sẽ thuộc về NSDLĐ nếu nó được tạo ra bởi NLĐ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông thường của họ hoặc trong quá trình thực hiện những công việc nằm ngoài phạm vi trách nhiệm nhưng đã được giao cho họ[1]. Tuy nhiên, về phía mình, NLĐ lại có quyền yêu cầu NSDLĐ phải trả một khoản tiền đền bù nhất định nếu (i) NSDLĐ được cho là đã có được “lợi ích đáng kể” (outstanding benefit) từ việc sở hữu sáng chế hoặc bằng độc quyền sáng chế đó ; hoặc (ii) khoản tiền mà NLĐ đã nhận từ việc chuyển nhượng hay chuyển giao sáng chế cho NSDLĐ được xem là không thỏa đáng[2]. Điểm quan trọng nhất trong quy định của pháp luật Vương Quốc Anh là NLĐ có nghĩa vụ chứng minh rằng NSDLĐ có được “lợi ích đáng kể” từ việc sở hữu sáng chế hoặc bằng độc quyền sáng chế đã được chuyển giao[3]. Trên thực tế, điều này là rất khó thực hiện đối với NLĐ, nên hầu như chưa có NLĐ nào chứng minh được điều này.
Theo pháp luật của Liên minh châu Âu, mà cụ thể là theo Công ước về Sáng chế của Liên minh châu Âu, quyền đối với sáng chế của NLĐ sẽ được xác định theo pháp luật của nước nơi NLĐ làm việc, hoặc nếu không xác định được, thì theo luật của nước nơi NSDLĐ có trụ sở kinh doanh mà ở đó NLĐ có sự gắn bó[4]. Như vậy, pháp luật liên minh châu Âu không có bất kỳ quy định cụ thể nào về vấn đề này mà sẽ tham chiếu đến pháp luật của quốc gia thành viên tương ứng trong từng trường hợp cụ thể.
Theo pháp luật Australia, trên nguyên tắc chung NSDLĐ thường có quyền đối với sáng chế do NLĐ của họ làm ra. Tuy nhiên, dựa trên thực tiễn xét xử của Tòa án nước này[5], quyền sở hữu của NSDLĐ đối với sáng chế do NLĐ tạo ra không đương nhiên và tự động phát sinh trong mọi trường hợp. Điều quan trọng là, nếu NSDLĐ muốn nắm quyền sở hữu sáng chế do NLĐ tạo ra, NSDLĐ phải đưa vào trong hợp đồng lao động điều khoản ràng buộc rằng mọi sự sáng tạo hay phát triển về SHTT của NLĐ sẽ thuộc về NSDLĐ. Ngược lại, Tòa án sẽ tùy từng vụ việc cụ thể mà phán xét quyền sở hữu đối với sáng chế do NLĐ tạo ra sẽ thuộc về ai.

Theo pháp luật Nhật Bản, Đạo luật sáng chế Nhật Bản trao quyền sở hữu cho NLĐ đối với những sáng chế họ tạo ra trong quá trình lao động[6]. Với quy định này, dường như mọi thỏa thuận trước đó giữa NSDLĐ và NLĐ là không có giá trị, đặc biệt là những thỏa thuận mà ở đó NLĐ có thể chịu thiệt thòi hơn so với NSDLĐ. Tuy nhiên, NSDLĐ cũng sẽ được quyền sử dụng sáng chế dưới dạng không độc quyền nhưng có thể chuyển giao, sau khi đã thanh toán tiền thù lao hợp lý cho NLĐ đã chuyển giao quyền sử dụng này.
Theo pháp luật Hoa Kỳ, cách thức tiếp cận của Hoa Kỳ đối với loại sáng chế này có vẻ cởi mở vì không có đạo luật liên bang nào quy định nghiêm ngặt về vấn đề tiền thù lao cho các sáng chế được tạo ra bởi NLĐ. Hầu hết các doanh nghiệp đều có những quy định liên quan đến việc trả một khoản tiền đền bù cho các sáng chế do NLĐ tạo ra. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không có nghĩa vụ pháp lý bắt buộc phải làm như vậy. Nhìn chung, quyền sở hữu đối với sáng chế được cho là thuộc về những NSDLĐ thông qua những thỏa thuận ngầm định với NLĐ - hoặc cho rằng bất kỳ điều khoản nào về việc bồi thường cho sáng chế do NLĐ tạo ra đã được thỏa thuận trước đó với NLĐ trong quá trình thương lượng hợp đồng lao động ban đầu.
Mặc dù luật sáng chế Hoa Kỳ trao cho NSDLĐ một vị thế thuận lợi hơn so với luật pháp ở châu Âu, bản thân những NLĐ vẫn có thể dựa vào giới hạn quyền tự do sử dụng sáng chế của NSDLĐ nếu họ không được thuê hoặc được nhận làm việc một cách rõ ràng là để tạo ra sáng chế. Quyền tự do sử dụng sáng chế của NSDLĐ là quyền miễn trả tiền bản quyền và không độc quyền sử dụng những sáng chế được phát triển hay tạo ra bởi NLĐ thông qua sử dụng thời gian làm việc hoặc ngân sách của NSDLĐ trong quá trình làm việc. Quyền tự do sử dụng sáng chế của NSDLĐ thường được ngầm định khi một NLĐ không được thuê một cách rõ ràng là để tạo ra sáng chế nhưng có sử dụng tiện ích của NSDLĐ để phát triển một sáng chế mới trong thời gian lao động. Quyền này được công nhận căn cứ trên những đóng góp được cho là của NSDLĐ vào sáng chế này thông qua những nguyên liệu, thiết bị, thời gian và tiện ích của họ. Quyền tự do sử dụng sáng chế của NSDLĐ cho phép NSDLĐ sử dụng sáng chế được tạo ra nhưng không được phép bán cũng như không được quyền cấm người khác sử dụng sáng chế đó.

Theo pháp luật Việt Nam
Trước hết, chúng ta thấy rằng vấn đề liên quan đến sáng chế đang được quan tâm ở đây xảy ra trong quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ, cho nên về nguyên tắc các quy định liên quan của pháp luật lao động sẽ phải được áp dụng trong chừng mực để giải quyết quyền và nghĩa vụ lao động của các bên. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, cụ thể là Bộ luật lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chưa quy định rõ việc điều chỉnh về vấn đề này. Điều 23.2 của của Bộ luật lao động 2012 chỉ quy định trường hợp NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì NSDLĐ có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật công nghệ. Điều 126.1 cũng chỉ quy định thêm về trường hợp NSDLĐ được quyền sa thải NLĐ nếu NLĐ vi phạm quyền SHTT của NSDLĐ. Vì vậy các quy định tương ứng của pháp luật SHTT Việt Nam cần được tham chiếu đến trong trường hợp này.
Theo Điều 86 Luật SHTT, quyền đăng ký sáng chế liên quan đến sáng chế của NLĐ thuộc về các pháp nhân hoặc cá nhân đã cung cấp tài chính và cơ sở vật chất cho nhà sáng chế qua hình thức giao việc hoặc thuê việc trừ phi được thỏa thuận khác bởi các bên có liên quan. Như vậy, trong trường hợp NLĐ được thuê hoặc giao nhiệm vụ nghiên cứu để có thể tạo ra một sáng chế nào đó thì NSDLĐ sẽ có quyền nộp đơn xin cấp bằng sang chế, và một khi đã được cấp văn bằng bảo hộ, NSDLĐ sẽ là chủ sở hữu sáng chế đó theo Điều 121.1 Luật SHTT và có quyền của chủ sở hữu sáng chế tại Điều 123 Luật SHTT như sử dụng, định đoạt sáng chế… Còn NLĐ sẽ được hưởng một số quyền nhân thân đối với công nghệ sáng chế ra, được ghi tên là tác giả sáng chế trong các giấy tờ liên quan đến bằng sáng chế cũng như trong bất kỳ tài liệu nào mà công nghệ này được công bố hoặc giới thiệu (Điều 122 Luật SHTT ). NLĐ cũng nhận được một khoản thù lao theo quy định của pháp luật (Điều 135 Luật  SHTT). Như vậy, trong trường hợp này, pháp luật Việt Nam có hướng tiếp cận tương tự với pháp luật các quốc gia khác như trình bày ở trên.
Tuy nhiên, đối với trường hợp NLĐ không được NSDLĐ thuê hoặc giao nhiệm vụ nghiên cứu sáng chế, hoặc sáng chế được thực hiện ngoài phạm vi công việc được giao theo hợp đồng lao động đã ký hay được sáng tạo bởi NLĐ trong thời gian hợp đồng lao động còn hiệu lực nhưng lại ngoài thời gian làm việc hàng ngày được quy định trong nội quy lao động của doanh nghiệp và hợp đồng lao động thì pháp luật Việt Nam không có quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, pháp luật cũng không đề cập đến việc các quy định nêu trên của Luật SHTT có thể sẽ được áp dụng hay không. Điều này trên thực tế đã tạo ra nhiều hệ lụy không mong muốn cũng như những tranh cãi về mặt pháp lý không đáng có. Do vậy, chúng ta cần phân biệt hai trường hợp riêng biệt. Trường hợp thứ nhất, nếu sáng chế được NLĐ tạo ra ngoài quá trình lao động, quan hệ lao động và thời gian lao động, và NLĐ cũng không sử dụng bất kỳ công cụ, phương tiện hay tiện ích nào của NSDLĐ, thì sáng chế đó phải được xem là tài sản trí tuệ thuộc sở hữu riêng của NLĐ. Trường hợp thứ hai, tương tự như trường hợp trước nhưng NLĐ có sử dụng công cụ, phương tiện và tiện ích của NSDLĐ, thì tùy thuộc vào nội quy lao động và quy chế quản lý tài sản trí tuệ của NSDLĐ, NLĐ và NSDLĐ có thể thỏa thuận để xác định quyền sở hữu đối với sáng chế cũng như ấn định mức tiền đền bù tương ứng cho chủ thể phía bên kia.
Tóm lại, quan hệ lao động là môi trường thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hoạt động sáng tạo khoa học của NLĐ. Thực tế cho thấy có rất nhiều các sáng chế hay những phát kiến khoa học giá trị ra đời từ quá trình lao động trực tiếp của NLĐ. Khi đó việc xác định quyền SHTT đối với các sáng chế đó cho các chủ thể liên quan trở thành một vấn đề pháp lý phức tạp và rất được quan tâm và cần làm rõ để tránh tranh chấp sau này. Về vấn đề này, mỗi quốc gia đều có cách thức điều chỉnh riêng, tùy thuộc vào quan điểm lập pháp riêng của quốc gia mình. Song, pháp luật của các quốc gia đều thống nhất với nhau ở một điểm quan trọng, đó là phải xác định một cách rõ ràng và cụ thể quyền SHTT đối với sáng chế trong trường hợp này phải thuộc về (i) hoặc là NSDLĐ, (ii) hoặc là NLĐ và (iii) hoặc là trao cho các bên quyền tự thỏa thuận để giải quyết.
Trở lại với tình huống đặt ra ban đầu, các tòa án sẽ có thể giải quyết được các vụ việc trong chừng mực nếu có sự thống nhất về quan điểm giải quyết. Tuy nhiên, điều mà các thẩm phán của các tòa án cần để đưa ra phán quyết cuối cùng là quy định của pháp luật phải rõ ràng và cụ thể thì hình như chưa đạt được. Sự thiếu hụt này đã mang lại khó khăn không nhỏ cho các thẩm phán trong các vụ việc kiểu này khi mà các ngành luật có liên quan như luật SHTT, luật lao động và luật dân sự đều không có quy định rõ ràng. Do vậy, trong công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, chúng ta cần nghiên cứu và nhanh chóng bổ sung các quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh một cách hiệu quả mối quan hệ giữa các bên liên quan đối với các tài sản trí tuệ được tao ra trong quá trình thực hiện các hợp đồng lao động giữa NLĐ và NSDLĐ, qua đó có thể bảo vệ được lợi ích chính đánh của NSDLĐ nhưng cũng không làm nhụt chí sáng tạo của NLĐ và tránh các tranh chấp lao động phát sinh.


[1] Điều 39(1) – Đạo luật về Sáng chế Vương Quốc Anh 1977.
[2] Điều 40 – Đạo luật về Sáng chế Vương Quốc Anh 1977.
[3] Đạo luật về Sáng chế của Vương quốc Anh năm 2004 sửa đổi Đạo luật năm 1977.
[4] Điều 60(1) – Công ước về Sáng chế của Liên minh châu Âu năm 2000.
[5] Vụ kiện giữa Spencer Industries v. Anthony Collins (2002) và vụ kiện giữa Victoria University of Technology v. Wilson & Ors (2004).
[6] Điều 35 Đạo luật về Sáng chế của Nhật Bản năm 1959.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét