Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Sáng chế do người lao động làm ra: ai sở hữu?

Sáng chế do người lao động làm ra: ai sở hữu???
Tiến sĩ Phan Ngọc Tâm & Luật sư Nguyễn Hữu Phước
Công ty luật Phuoc & Partners
www.phuoc-partners.com
                                                
Lao động gắn liền với sáng tạo và do đó phần lớn các sản phẩm trí tuệ do con người làm ra là từ quá trình lao động dù dưới bất kỳ hình thức và cách thức nào. Những sản phẩm này có thể được làm ra dưới nhiều hình thức như sản phẩm hàng hóa, các sáng chế, các chương trình máy tính, các quy trình công nghệ… Cho dù được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào thì các sản phẩm này, đặc biệt là các sáng chế, do hàm lượng trí tuệ được chứa đựng bên trong chúng, luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và thịnh vượng của từng cá nhân, từng doanh nghiệp. Do vậy, theo nguyên lý thông thường, các chủ thể liên quan đến quá trình lao động sáng tạo này đều có xu hướng muốn xác lập quyền sở hữu của mình đối với các tài sản đó.
Theo nguyên tắc chung của pháp luật sở hữu trí tuệ (“SHTT”), các sản phẩm trí tuệ được tạo ra bởi chủ thể nào thì sẽ thuộc quyền sở hữu của chủ thể đó, và vì thế, người ta có thể suy luận rằng các sáng chế sẽ thuộc về người đã tạo ra sáng chế đó. Tuy nhiên, do những đặc thù riêng trong mối quan hệ lao động giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ), việc xác định các sáng chế do người lao động làm ra có đương nhiên thuộc quyền sở hữu của họ hay không vẫn đang là một vấn đề pháp lý mà các chủ thể liên quan rất quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở các nước phát triển. Trên thực tế, câu trả lời cho câu hỏi này là khác nhau ở các quốc gia khác nhau.
Thật vậy, hiện nay các thẩm phán của Tòa án Việt Nam đang khá “đau đầu” khi phải giải quyết các tranh chấp giữa NLĐ và NSDLĐ liên quan đến các đối tượng SHTT được tạo ra trong quá trình lao động. Chẳng hạn, một giảng viên X của Trường đại học K, làm chủ trì một đề tài nghiên cứu khoa học được Nhà trường xét duyệt và cấp kinh phí để tìm ra một sáng chế mới giúp tiết kiệm tối đa điện năng gia dụng cho các gia đình Việt Nam. Trong quá trình thực hiện công trình nghiên cứu này, ông X cùng các học trò của mình “vô tình” phát hiện ra một sáng chế khác không nằm trong mục đích nghiên cứu của công trình ban đầu. Ông X đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, Trường K không đồng ý vì cho rằng sáng chế này phải thuộc về Nhà trường chứ không phải bản thân ông X. Với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, liệu Tòa án có thể giải quyết thỏa đáng vụ việc này hay không? Hiện vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Tạm bỏ qua các quy định của pháp luật Việt Nam, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một cách sơ lược các quy định của pháp luật các nước về vấn đề này.